Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Bắt chuột

Ở quê tôi, hai làng Canh Nậu và Dị Nậu đều nổi tiếng với món thịt chuột. Sau này, lớn lên đi học hay đi làm ở nơi khác mỗi khi nhậu nhẹt hay tán phét đều nói ở quê có món thịt chuột ăn thì quên sầu. Cũng lâu lắm rồi tôi chưa được ăn thịt chuột, cũng nhớ nhớ món Tý này. Từ hồi có dịp đi về Tịnh Biên – An Giang thì phải. Món này ở quê tôi đã từng được lên báo.
Vào cữ này đây, ở quê mùa vụ cuzbg đã xong. Mọi người lại đi ra đồng bắt chuột.

Thịt chuột được bày bán ở chợ Núc, x. Canh Nậu, h. Thạch Thất, HN
Đồng làng tôi nhỏ, nằm lọt thỏm giữa đồng Canh, đồng Hiệp, đồng Thày, đồng Chàng và đồng Nủa. ruộng thì nhỏ, tủn mủn mảnh khoảng 1 sào Bắc Bộ ( 360 m2) trở lại. chỉ có mùa gặt xong, người làng tồi và bên Canh hay ra đồng bắt chuột. Thường thì ở quê, có nơi ăn thịt chuột, có nơi không, nhiều người còn kinh là đằng khác. Nhưng những ai ăn đc thjt chuột thì lại nghĩ vơ vào thế này: chuột đồng chứ không phải là chuột làng, chuột làng khác. Chuột trong làng dơ dáy, chuột bẩn. Chuột đồng ở nơi đồg không mông quạnh, chỉ ăn thóc như con gà con qué, con chim sâu trong vườn nhặt hạt cơm, con sâu. Cẩn thận hơn, tháng mười người ta đi bắt chuột, toàn đi bắt đồng xa, lặn lội xuống tận đồng Nủa hay Thày thật xa làng. Không bắt chuột ở Cây Da, cống sông đen – có bãi tha ma.
Có một điều mà thật sự ai cũng biết, mà hình như là họ cố tình không muốn biết, chuột đồng chẳng qua là chuột trong làng. Đến mùa gặt, chuột đói trong làng kéo ra đồng ăn thóc, trú ngụ ở các gò cao. Mùa Đông, chuột no ấm rồi làm ổ đẻ trong lỗ gò. Đến khi đòng ruộng vào làm mùa, chỗ nào cũng ngập trắng nước, không còn j ăn, hết chỗ trú ngụ, chuột lại kéo về làng. Như chú Thành tôi nói, cơ chừng phải và hợp lý hơn cả:”Chuột nhà ra đồng vài hôm, ăn thóc, thế là thành chuột đồng sạch sẽ rồi”. và như một vài cụ cao niên trong làng nói lại cái thói quen “chén” thịt chuột chẳng qua cũng là cung cách ăn uống của thiếu đói ngày xưa. Mùa rét, đi bắt chuột đồng, như ngày Tết ra bờ tre rình đánh chó chạy pháo nổ. phải nhếch nhác thế nào mới ăn chuột, ăn châu chấu, cào cào, ễnh ương, chẫu, nhái như vậy. nhưng dẫu có là “phong tục”, cũng không phải phong tục nền nếp của những làng xóm no đủ. Cả làng nhà tôi đều ăn thịt chuột. thịt chuột mà làm lên ngon lành thì ngon cũng không khác j thịt gà, thịt chó đâu. Cứ ngồi hàng trà đá, chè tươi, ngồi uống chè, rít thuốc lào rồi lại tán chuyện thịt chuột rán ngon hay thịt chuột xào lăn, chuột luộc rồi ướp lá chanh ngon hơn. Rồi khi ngoài đồng đã gặt quang thì trẻ con, người lớn và thậm chí là cả người già cũng rủ nhau ra đồng bắt chuột. tôi thì hay đi cùng bọn thằng Quyền, thằng Dương và Mạnh tý. Từ tối hôm trc đã bàn nhau đi bắt ở đồng nào, thằng nào mang cái gì theo. Đi bắt chuột thì thằng cầm cái tải rơm, nhà thằng Quyền có chó thì mang theo. Con chó vàng vện cứ lẵng nhẵng theo sau, chẳng phải chó nòi hay chó săn đâu, chỉ là chó nhà nuôi, nhỡ nhỡ lại bán, lại thịt. Rồi thì thằng xách giỏ, cái thuổng, thùng nước, dọng để chặn cửa hang.


Món chuột luộc lá chanh.
Bọn tôi không bắt chuột ở đất rau hay khu đồng Cổng Cái bao giờ. Vì, ở đấy chỉ có những con chuột nhỏ, chuột nhỡ chẳng đáng bắt, và những con chuột cái gầy lõ xương lừ đừ vác cái bụng chửa đi tìm hang đẻ. Vả lại chỗ đồng cao, đất rắn, không có nước mà đổ.  Chỉ khi nào có phong trào phát động bắt chuột của xã cứ bán 200 đồng/1 đuôi chuột thì mới đến đấy bắt. Đi thẳng lên Ngoài Xa, đấy người ta trồng rau màu nhiều hay gặp chuột đàn, lắm khi bắt được cả Chuột dái –người vùng tôi đặt tên chuột dái hay “tí ù” cho con chuột to hơn cả chuột cống. Tới nơi thì chia nhau mà tìm hang. Điểm để nhận ra hang chuột là cửa hang thoáng đãng, không ẩm ướt, không có mạng nhện, đôi khi mờ mờ vết móng lắt nhắt. Hang rắn thì có vết hằn trườn giữa cửa nhẵn gồ sống trâu, chớ dại mà thò tay vào lỗ đó. Khi đã tìm thấy hang có in vết chân chuột là hò nhau, xúm lại tìm các cửa ngách mà lấp lại.. Đặt dọng vào các lỗ trống. Từng nhát thuổng buông xuống thình thịch…thình thịch… vừa nhấc thuổng, vừa nghe ngóng. Con chuột nào nhát, thấy động là nhào ra, đâm thẳng vào dọng. Chỉ việc nhanh tay bóp dọng lại, kéo đuôi ra, lấy tay chẹt cổ, chuột nhe răng ra, ghè vào lưỡi cuốc bẻ răng kêu “ khắc khắc”. Rồi thả con chuột mồm còn vung vãi máu vào cái giỏ. Rồi lại tới hang khác, hang này thì phải đổ nước, rồi lại thay phiên nhau múc nước, chuyền nước từ mương nước để đổ vào hang. Nước ứ lên tận miệng hang, một con lướt mướt nhào ra, vẫn chỉ là chuột nhỏ, chuột nhỡ. Hang này có vết chân chuột to, chuột tí ù. Chuột này thì đừng hòng dễ bắt, dẫu cho đất rung, nước ngập đến khấu đuôi vẫn đứng yên. Đổ nước òng ọc xuống mà vẫn không ăn thua, lại quay ra hun rơm, quạt mạnh tay để lùa khói vào hang, thằng Quyền ngồi quạt ho sặc sụa mặc cho mấy con chó vện đi cùng cào đất sủa inh ỏi. Thằng Vương – anh thằng Quyền, cầm thuổng đào, hạ từng nhát thuổng xuống , hất từng tảng đất to ra, lúc này chuột mới theo tảng đất nhảy ra chạy. Cả bọn đứng dậy, đuổi theo và reo loạn xạ. Con chuột dái bị chộp giữa dòng nước.




Sau này, khi tôi đi làm rồi thi thoảng vẫn mời anh em cùng chỗ làm về quê ăn thịt chuột mỗi khi có dịp. Nhưng không phải đi bắt mà là ra quán, quán đặc sản chuột, chó, mèo ở quê tôi không thiếu. Uống với rượu quốc lủi vùng Sấu Giá thì tốn rượu, tốn mồi phải biết.  Để rồi, giờ đây, ngồi gõ bàn phím lách cách mà vẫn nhìn thấy cánh đồng mênh mông ở quê. Nhưng chẳng thấy bóng dáng mấy thằng trẻ con đuổi chuột nữa. Cánh đồng ngày trước giờ mọc lên kha khá các ngôi nhà cao tầng khang trang. Làng xóm đã lấn ra đến đồng rồi. Bây giờ nơi đó thực sự chỉ còn chuột nhà, chuột cống mà thôi.

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Tìm vàng

Hồi tôi còn nhỏ, hay ngồi hóng chuyện người lớn, cũng chả có gì hay ho, toàn kể chuyện ma. Kể cũng lạ, trẻ con lại thích nghe người lớn nói chuyện ma mới khổ. Đã sợ nhưng lại hay tò mò. Rồi thì nhìn chỗ nào cũng thấy có ma. Gốc gạo ngoài cổng đình, cây đa ở chợ Cầu, vườn nhà bà Thuỳ giờ bán cho nhà ông Hai Dư làm nhà ở, vườn nhà bà Đồng Nhung nữa, gốc trói đầu xóm tôi. Cây sấu bên nhà thờ Bến, cây si bên nhà thờ Dị, đâu cũng có ma. Đêm trăng sáng vằng vặc ma mặc áo dài trắng đánh đu trên cây. Ma ngồi cành nhãn, thò chân xuống.  Ma cười khanh khách, ma khách, ma xó, ma nam……

Nhưng tôi sợ và cũng thú nhất là những chuyện tìm vàng nửa thật nửa ma. Chuyện ma mà lại có vàng. Các chuyện về ma – vàng ám ảnh u ám khắp làng. ở trong làng, cứ đi chơi đêm tới xóm nào tối tối, trông vào đâu cũng nhìn thấy những chuyện ấy. lại sợ nữa, sợ ác liệt là khác. Người ta nói đang chân tay không, nghèo không một xu dính túi thế này mà lại bắt được vàng, sướng quá, thì phát rồ hay có khi chết ngay đấy. lại càng ngẩn ngơ cả người. sợ mà lại ham.
Chuyện ông Đặng bên Canh Nậu thấy vàng thì lạ lungf nhất, đấy là những năm 89, 90 gì gì đó. ông ấy suốt ngày sai rượu, người thì bảo bị ma nhập. ông ý ra gò đất ở cầu Hóp trèo lên cây đa ngủ ở cành đa bằng ngón tay mà không ngã, chả biết thật hay bịa. nghe rõ là hay. Có lần ông ý đi đâu về, cũng có men trong người rồi, ông ý đi về nhà, chả biết ma xui quỷ khiến thế nào mà ông ý lại không về nhà. Ông ấy đi ra bãi tha ma đầu làng lối ra Hiệp.. ông Đặng nhìn ra cái đầm nước sáng trưng ánh trăng, thấy có toà nhà màu vàng, có đàn vịt vàng đang bơi nữa. thấy cả cái cung điện màu vàng nữa, toàn là rồng leo phượng múa. Đâu cũng vàng, toàn vàng. Nhìn thấy áo mình cũng óng ánh vàng luôn. Ông ấy nghe thấy những tiếng mời gọi từ trong cái cung điên vàng:
-         - Ông kia đi đâu đe? Ông chưa phải duyên số về cõi âm đâu. Ra đây tôi đưa về.
Chả nhìn thấy bóng người đâu, cứ mơ hồ, ông Đặng đi theo cái tiếng mời gọi hoa bướm ấy, chả thấy người đâu mà cứ như mình đang đi với ai. Lúc sau ông ấy đi lên thì thấy cái miếu cầu Hóp đầu làng. Cứ như ông ấy vừa rẽ nước đi lên.  Về nhà ông ấy kể lai với hàng xóm y như vậy. từ đó, ai đi lấy nước đêm qua đấy đều nhìn tưởng ra thấp thoáng lâu đài vàng cùng đàn vịt vàng trong bóng đầm và giếng nước. có người chép miệng:
-         - Ghớm, chả hay hớm gì đâu. Được bạc thì sang, được vàng thì lụi, thì tuyệt tự thì bỏ bố. thế là số lão Đặng còn may chán.

Cầu Hóp với cây đa, cây muỗm và giếng nước

Tuy vậy, nghe xong câu chuyện, ai cũng thẫn thờ. Người ta kể lại về sau ông bị điên và giết người bị công an bắt rồi chết ở uỷ ban xã. Tôi lúc ấy mới đẻ ra nên chả biết. người kể lại chép miệng :” Đấy, đấy, gặp vàng thì lụi mà”. Ai nghe xong cũng cứ vừa sờ sợ, ghê ghê lại vừa ngơ ngác, ao ước, tiếc của. nào ai biết là thật hay bỡn. chuyện lúc uống nước chè nó thế đấy. rồi lại chuyện tận trên ngoài Hà Nội, trên Phú Thọ, Tuyên Quang có những hang động người Tàu giấu của. người Tàu để của có khác, chỉ con cháu người ta mới lấy được. nó chon sống cả những người đào hang, xây hang ở trong, chôn sống một cô gái trẻ, còn trinh tiết, cho ngậm sâm để sống đúng 49 ngày thành ma giữ của.bao giờ thì con cháu người Tàu sang lấy của, người ta sang thế nào hay người ta đã đến rồi mà không ai nhìn thấy, biết làm sao được. thế rồi cái j cũng đâm ra ngờ ngợ, thấy mấy ông thương lái đi sang buôn bán, ai trông cũng nghi ngại, không tin. Những lão khách này giả vờ lân la vào các làng để tìm nơi ông cha để của. nào biết phải hay không?
Rồi lại chuyện trâu vàng ở giếng chỗ xóm Đồng Nội, sát nhà Luân Lý mới ghê. Bao nhiêu thằng trẻ con đều quả quyết dưới giếng có con trâu vàng. Hôm nào trở trời, trâu vàng nổi lên, tắm và vùng vẫy đánh sừng. có thằng bảo ông nội nó đi kéo trẫm về qua nhìn thấy. lại còn chuyện nhà nào mà đẻ được 9 người con trai, đem thả 9 thằng con trai xuống thì trâu vàng nổi lên, cứ việc dắt trâu vàng về, tha hồ giàu. Nhưng chả thấy có nhà ai, ở đâu đẻ được 9 con trai rồi ném xuống giếng. mấy thằng trẻ con tí ti cứ cãi cọ, lý sự quanh năm chả dứt chuyện trâu vàng ở giếng Đồng Nội. đi qua vào ban trưa mà cũng thấy rờn rợn.
-                 -  Được trâu vàng lại mất 9 thằng con trai. Bố mẹ ăn vàng bạc để làm mõ à? Một thằng chốt
-                 -  Thế nên mẹ tao mới bảo được vàng thì lụi, tuyệt tự. Thằng khác chêm vào.
-                  -  Thế thì thèm vào. Một thằng nữa chốt hạ lại câu chuyện.
Rồi giữa làng cũng nói nhiều chỗ có vàng, ở chùa có cái gò nhỏ trồng mấy cụm hoa mẫu đơn đỏ thẫm quanh gò. Thấy có búi hoa đơn đã ra vẻ đền chùa lắm rồi, thế là ở đó có thánh, có ma, thế là sợ vãi đái ra rồi. có bà nói là vào lúc nhập nhoạng tối trời mùa đông có đàn vịt vàng từ gò chạy ra tắm, lại còn quả  quyết đời các cụ đã có người trông thấy, thời giờ thì chưa có ai. ???!!!!!!
Có lần chúng tôi đi bẻ trộm ngô, nhổ đậu, khoai, bẻ trộm dưa chuột trên khu Ngoài Xa, BỜ Thời, Đồng Nhồ về thì đã là nửa đêm. Những hôm nào trời mưa thì trú vào cái cầu chợ ở đồng. nhìn sang bãi tha ma, thấy những đốm xanh lập loè, chớp lướt mướt trong mưa – hay là đàn vịt vàng ra tắm?? chả dám khẳng định. Thằng Việt Nấm hét to:
-                -  Ma trơi, ma trơi ra chơi mưa trên mả mới
Vài  thằng khác lại kêu lên:
-Vịt vàng ! Vịt vàng ra tắm đấy. chúng bay chả nghe nào.

Ở bãi tha ma vẫn cứ lập loè xa gần những ánh xanh rợn tóc gáy. Không biết là ma trơi, lân tinh hay vịt vàng đây???

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Hồn và Ma

Hôm trước, ở trong Entry "Chợ Hà Tây" tôi có nói tới chuyện ma, búi tre. Lại nghĩ tới mấy cái chuyện “thần bí” ngày trước.
Làng nào ở ngoài Bắc Bộ đều có các luỹ tre bao quanh, dù cho làng có đường cái cả to nhất đi ngang qua, người đi lại như đi hội thì đầu làng cũng kín đáo và màu xanh của luỹ tre gai ngăn ranh giới làng xóm với cánh đồng. Bây giờ thì làng nào có bụi tre, luỹ tre chắc là hiếm lắm, nhưng mỗi cái cây cổ thụ ở thôn xóm cũng như con người đều mang cái “sự tích”cuộc đời và cái hồn cốt của nó.


Đình làng Dị, x. Dị Nậu, H. Thạch Thất, Hà Nội
Nhà nào cũng có người ở, lại có tổ tiên, đến ngày giỗ, ngày tết các cụ lại về trên cái bàn thờ, án gian  trang trọng giữa nhà. Trong bếp thì có vua bếp- Táo Quân, cuối năm lên chầu trời vài hôm. Còn thần đất, thổ địa lại nhập vào con chó đá canh cổng lúc nào cũng ngồi chồm hỗm ở cổng nhà, đền đài miếu mạo. người chung đụng với thánh thần, tổ tiên, ma xó ma trơi, ma người thắt cổ, ma người chết đuối, tưởng tượng ra chỗ nào cũng có ma nhởn nhơ. Làng nào cũng có Đình làng, đình là trung tâm của làng, đình thờ ông Thành Hoàng. Đình xây cất khang trang, chắc cũng được xem phong thuỷ, đình luôn là nơi phong quang nhất làng.
Không nói ra thì ai cũng biết mọi công chuyện làng xóm đều được đem ra đình: kiện tụng, thề thốt, cưới xin, ma chay, thuế má, quan quân bắt lính, xử tội kẻ trộm và các giấy tờ, mọi thủ đoạn phe cánh, cuộc chè chén và cả các cuộc ẩu đả đánh chém nhau của các quan làng đều xảy ra ở đình làng. Ở trong đình có ngai thờ ông thành hoàng làng linh thiêng, uy nghi. Ông thần trông coi làng, soi sang trên đầu người. Thành hoàng xuất hiện từ xa xưa, các triều đại lịch sử thay đổi, nhưng vua đời nào cũng sắc phong cho thần hoàng làng.Các nhân vật được thờ phụng có khi là ông Thánh Gióng, có khi là anh hung có thật như ông Lý Thường Kiệt, đức thánh Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão,  bà Ỷ Lan, Nguyễn Công Trứ - ông quan có công lấn biển khẩn hoang. Lại có nơi thờ người nào đó vô danh nhưng chết vào giờ linh được hiển thánh.
Trong làng, chỗ nào cũng chung chạ giữa người với thần phật và cả những con ma. Người thắt cổ, người chết đuối, ở các gò giữa xóm như gò Mả Lẻ, Mả Vạy, gò Cống Cao nghe đồn có đám vịt vàng, cái mô gạch đá ông Đống ven đường, đều được thắp hương, tảng đất đắp lên để ông Đống phù hộ cho khỏi mỏi chân đường xa. Cả đến các cây đa, cây muỗm, cây nhãn, câ hoa đại – những cổ thụ từ đời trước, các cây lão lai ấy đều hình như có con ma ở, ma giữ cây. Lại còn có các con ma lang thang. Thằng Doanh nhà chú tôi lúc nhỏ hay khóc đêm, bà tôi toàn cầm dao ra chém gió, chém bờ rào cúc tần, lẩm nhẩm khấn đuổi: Phạm Nhan! Phạm Nhan! Mày mà trêu cháu bà thì mày đứt cổ như thế này này… sau này lớn rồi tôi đọc sách mới biết con ma Phạm Nhan như con ma cà rồng trên mạn ngược hay rình mò, trêu cho trẻ con khóc đêm.
Có thánh thần ở đình đền, có thần phật trên chùa, có Chúa ở nhà thờ, có ma mọi nơi và có cả tổ tiên trong nhà. Có một điều khác nhau và lạ là ở chỗ: cứ đến ngày giỗ tổ tiên và khấn mời người đã mất về với con cháu và gia đình, không gọi đấy là ma, mà là HỒN người về.

Có ai hiểu cái này thì giải thích giúp tôi với. Cái này thì đành chịu tiếng dốt vậy.

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Chợ HÀ TÂY

Tưởng rằng chợ Sái mĩ miều
Chỉ lắm hàng củi với nhiều hàng cơm,
Chợ Nủa hàng giậm hàng nơm
Chợ Trôi hàng vải hàng rơm dãi dầu
Chợ Nghệ thì lắm bò trâu
Thái đoạn cũng lắm, bò trâu cũng nhiều
Sơn Đông chợ họp về chiều
Chỉ lắm hang xén với nhiều hang dao
Chợ Phùng hang xén biết bao
Chợ Gạch cũng lắm thuốc lào, nhang đen
Chợ Bún nửa tháng sáu phiên
Có lắm hàng xén nguyên anh kẻ Phùng
Chợ Săn gần huyện gần sông
Kẻ buôn người bán nhưng không có nhiều
Tuy rằng chợ Hiệp mĩ miều
Chỉ lắm kẻ cắp với nhiều lái buôn
Chợ Cốc nửa tháng sáu phiên
Chỉ lắm ngô đỗ với nguyên củ từ
Thọ Lão chợ họp chán phè
Cầu quán chả có, y như ngoài đồng
Lờ đờ chợ Triệu mà đông
Tiếc rằng cả lớn mà không bán bồ
Chợ Mía mới họp mà to
Những thằng Mông Phụ cứ mò xuống chơi
Thế là bài chợ xong rồi
Thì em phải hoạ bài trời anh nghe

Chợ Sấu, xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội
Bài này không biết là nó thuộc thể loại gì nữa? vè, thơ con cóc, đồng dao hay gì gì đó tôi không rõ. Chỉ biết là hồi nhỏ được nghe bà tôi, mấy bà già quanh xóm hay đọc cho nghe mỗi khi các bà ngồi khâu vá ở đầu hè, phơi thóc lúa trên sân nhà thờ hay chỉ là lúc rỗi rãi ngồi nói chuyện với nhau. Lâu rồi tôi không được nghe, hôm nay tình cờ gặp người quen đọc và ghi âm lại được.


Chợ Nủa, xã Phùng Xá, h.Thạch Thất, Hà Nội, nổi tiếng về bán đồ mây tre đan
Chao ôi! Những câu hát vớ vẩn từ thời xưa, chắc thời các bà còn con gái đã có rồi. câu vè về những cái chợ ở vùng Hà Đông, Sơn Tây. Nhiều nơi, nhiều chợ mà lớn lên tôi đã từng đặt chân tới. nhất là quãng thời gian làm thị trường cho một hãng chuyên bán lẻ hàng tiêu dùng nên càng phải lưu tâm đến các chợ nhiều hơn. Chợ bây giờ thay đổi nhiều quá. Chợ nào cũng khang trang, mở rộng ra nhiều. hàng hoá buôn bán không biêt bao nhiêu mà kể. Nhưng chưa bao giờ và có lẽ là không bao giờ tôi hiểu được trong người kể và trong các câu vè này có ý nghĩa như thế nào? Những niềm mơ ước, sự vui sướng, cái ngông nghênh và cười cợt, nhạo báng hay là gì? Tôi vẫn không thể nào hiểu được, chỉ nhớ lại là bà tôi và các bà khác trong xóm là một cái kho truyện cổ tích, chuyện đời, chuyện làng từ ngày xửa ngày xưa mà thôi. Không biết bao nhiêu là chuyện. chuyện ma, chuyện áp tết, từ gà gáy đã đi chợ Nủa, chợ Sấu mua lá rong, lá gai về làm bánh. Chuyện hội làng ở Dị, ở Canh hay tận ở Thày. Chuyện vỡ đê, Tây về bắt người tự đời thưở nào. Chuyện chẳng khi nào dứt. phải chăng như vậy mà sau này, mỗi khi tôi nhớ quê, nhớ về những ngày tháng cũ, cái làng Dị Nậu bé nhỏ nó lại trở về, chắc nó đã chồng chất, in sâu từ những chuyện ngày xưa này. Để rồi gặp bạn bè là lại lôi cái tuổi thơ “phá làng phá xóm” ra mà kể với nhau.


Trẻ con cả xóm ngồi xúm lại dưới tán bụi tre với các bà. Chúng nó cấu nhau, vật nhau chán rồi lại ngồi im nghe các bà kể vè các chợ và chuyện ma. Giờ đây, mỗi lần nghe thấy từ chợ, tưởng như lại thấy hình ảnh các bà miệng bỏm bẻm nhai trầu ngồi dưới bụi tre và kể chuyện.

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Lại chuyện diều sáo

Hôm trước đã nói đến chuyện chơi diều, nhưng  mãi sau mới nghĩ ra đó chỉ là chuyện chơi diều của người lớn, thích làm  j thì làm. Còn bọn trẻ con chúng tôi thì lại khác. Vậy nên cũng phải kể chuyện lại kẻo quên mất, hì hì.

Ở công đoạn làm khung diều, đứa nào mà có ông bà làm đan thúng, mủng, nong, nia, giá, rổ thì có thể xin đoạn tre rồi nhờ ông vót chon an để làm khung diều. làm cái diều ban an là đơn giản nhất, cứ về nhà rút cái que mành che cửa ra là có nan để làm ba cái nan song song nhau, thêm cái thanh giằng ngang là thành cái khung diều. nếu đơn giản như thế thì chẳng nói làm gì. Đã chơi diều là phải diều bầu, diều con quạ, diều cánh cốc mới ra dáng “đàn anh”, bí quá không biết lấy tre ở đâu. Hồi trước ở quê còn dùng dát giường bằng tre, thế là các cậu cứ sẵn tiện về rút nan dát giường nhà mình ra, cả cái dát giường hàng trăm cái, rút ba bốn cái có thấm vào đâu. Kệ. cứ chơi đã, mặc dù lúc bị người lớn phát hiện ra thì đòn nát mông vì tội “phá hoại”. Đem ra hì hụi vót, vót tròn xoay mới đạt yêu cầu. tới đoạn là khung thì kiếm đâu ra dây cao su để buộc. không phải thằng nào cũng sẵn 100 đồng để mua vòng chun cao su buộc, một trăm đồng khi đó chỉ mua được 11 chiếc vòng mà thôi. Thằng nào buộc không khéo thì phải mua hai, ba trăm. Có thằng đi ăn trộm bên nhà ông Hồng đoạn săm se đạp- nhà ông Hồng Vân làm nghề sửa xe đạp, đem về cắt nhỏ ra để buộc. Tôi với thằng Thiện thì không có điều kiện như tụi ở trên, đành phải hy sinh đôi dây cao su bằng ruột quả bóng đá đang yên vị trên cái súng cao su, cái sung đã từng “đưa tiễn” biết bao con chim về với ông bà. Thôi kệ vậy, chơi đã, chừng nào có tiền thì nhịn ăn quà mua đôi mới buộc vào sung( khi đó mua 500 đồng một đôi dây màu đỏ, 700 đồng một đôi màu đen to bằng ngón tay trỏ). Đem ra cắt nhỏ rồi mới buộc được khung diều.  Anh Lưu nhà bác Long – hàng xóm nhà tôi. Đã “thiết kế” ra cái diều chỉ cần hai chiếc nan buộc hình chữ thập, buộc nilon ở bốn đầu nan là thả được, tất cả đặt tên là “diều thánh giá”, có lẽ vì toàn là theo đạo Thiên Chúa nên đặt cái tên rất lien quan.
Thằng Định, kém tôi một tuổi ở xóm dưới. không biết khi đó pha thanh tre ra để làm nan diều, cầm dao chặt làm sao mà “phang” ngay vào ngón tay trỏ, gần rời ra. Báo hại cả nhà hốt hoảng, đưa đi bệnh viện để nối gân, bó liền xương. Làm cái diều mà mất mấy chục triệu đồng. Tới bây giờ tay nó vẫn còn vết sẹo to đùng.
Phần khung chắc chắn đâu đó rồi lại lo khoản giấy dán. Thực ra, hồi đó ít người dán giấy báo lên diều, vì để làm giấy báo không thấm nước thì kỳ công lắm. đi mua quả cậy thì không có tiền, hoạ chăng nhà nào làm quạt thóc, phết nhựa quả cậy lên cánh quạt còn dư thì mấy thằng trẻ con mới đến lượt. áo mưa bằng nilon thì khó kiếm, quê tôi chủ yếu lúc đó các bà, các mẹ đi cấy thì dùng áo tơi lá. Áo mưa nilon thì ai đi làm xa mới có, lấy cái đó thì tội nặng hơn cả trộm trái cây của nhà thờ. Đành ra đồng xem có ruộng nào đang căng nilon quanh ruộng để chống gió bão cho cây non thì lấy trộm về, đem ra ao giũ sạch bùn đất, phơi cho ráo nước là may mảnh đã cắt sẵn lên diều- gọi là phứt diều. xong rồi đem ra làm máy, làm máy này cũng khó, nhiều thằng không làm đc, phải nhờ người. chỉ là mấy đoạn dây ngắn buộc đúng khoảng cách để cánh diều cân bằng, không lệch, khi lên không bị nghiêng, chao lượn- chúng tôi gọi là “ghé”. Đôi khi phải trả công bằng khúc mía, củ khoai hay cái lúa nướng.

Tới khi ra hình hài cái diều rồi mới buộc dây lại để đem đi thả, ra bờ ao nhà thờ, nơi nào trống là một thằng thả, một thằng chạy tới khi nào diều lên đứng mới thôi. Có thằng thì leo lên nhà tầng, lên bể nước mà nhử, mà giật cho diều bay lên từ từ. Xong xuôi, diều bay lên gió trên rồi thì đứng im, mới yên trí “cọc” vào đâu đó chắc chắn rồi mới đi tắm ao, vừa tắm vừa bình phẩm diều của nhau như mấy ông cụ non. Lắm thằng ở trên nghịch ác, lấy dây diều này chạm vào dây diều kia mà cứa cho đứt dây. Báo hại thằng nào xui xẻo diều bay mất thì đuổi thục mạng, lắm khi chẳng biết nó đi đâu, về lại phải làm cái khác trong bực tứ, còn ai đó bắt được cái diều thì coi như gặp may.

Lại nói chuyện diều bị đứt dây bay đi, có lần anh Hùng Hào đâm diều. diều bị đứt dây, bay tới xóm tôi, lũ trẻ con ùa nhau ra giành giật, loi kéo, thằng túm cái sáo, thằng lôi cái cánh, thằng lôi cái đuôi. Lấy được cái sáo là oai nhất nên ra sức giành giật, cãi cọ. cả đám còn đang mải cãi nhau thì “khổ chủ” tới tang cho mỗi thằng một bạt tai đau điếng, nổ đom đóm má. Báo hại đến tối vẫn còn hằn vết ngón tay, thật là một lần nhớ đời. đến bây giờ nghĩ lại mà vẫn thấy nó như mới đây thôi. Chơi diều cũng lắm “CÔNG PHU” là vậy. 

                                                                                                                           SaiGon, 13.10.2014

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Thả diều

Đi qua khu Bình Lợi, mấy bãi đất trống thấy dân tình thả diều nhiều quá! Ở thành phố ồn ào, sôi động mà vẫn bắt gặp hình ảnh thảnh thơi đến lạ lùng. Ở quê tôi cũng vậy, cứ mùa hè tới là người người chơi diều, thả diều, ngước mắt lên thấy đc thảnh thơi như cánh diều giữa trời lồng lộng, cả người lớn và trẻ con đều thích. Hồi tôi 5,6 tuổi, chỉ biết làm diều gấp- gấp tờ giấy hình chữ nhật, lấy chỉ làm dây diều, thế là có diều. Có khi cuốn dây mạnh tay quá, đứt dây, diều bay đi đâu cũng mặc kệ. Giấy gấp diều thì xé ở vở, dây thì lấy cuộn chỉ ở nhà, mai lại gấp cái diều khác. Lớn thêm chút nữa, biết vót nan, dán giấy thì làm diều ông trăng, diều ba nan, diều bầu, diều cánh cốc....dây thì ra chợ mua hẳn cuộn dây dù, dây cấy để đâm diều. Nhưng ác nỗi, khi được gió trên diều lên lắm, bỗng gặp mưa, thủng giấy thì diềi rơi đằng diều, dây đằng dây. Làm lại cái khác.


Khi tôi đc đi các nơi trên cả nước, thấy ở đâu cũng chơi diều chứ khồn chỉ có mỗi vùng tôi chơi như tôi nghĩ. Cứ trên trời có gió là có diều bay. Đc biết, ở Quảng Đông, Quảng Tây bên Trung Quốc hàng năm mở hội thi diều. Ở Pháp cũng có hội diều quốc tế, diều Việt Nam cũng có đôi lần được cưỡi máy bay sang Pháp thi. Rồi ở Huế thì diều hình con long, ly, quy, phụng ngũ sắc lung linh có đầu, có đuôi, có mõm, đá chân tung bay trên trời hệt như người ta tung hoa lên trời. 
Ở quê tôi, làng Kẻ Núc, tuy không có hội nhưng mùa hè là đua nhau làm diều. Khi tôi nhỏ xíu đã biết làm diều. Khác hẳn diều gấp giấy, diều ba nan của trẻ con, cùn ko con rồng, con chim như ở Huế. Làng tôi chỉ chơi diều sáo. Cánh diều to, rộng như nhau, chỉ khác nhau, hơn nhau, ganh nhau ở tiếng sáo. Cái diều ở quê tôi không trọng màu sắc, cốt hình thù lực sỹ, "nồi đồng cối đá" và người ta lắng nghe thưởng thức sáo diều. 

Ở làng tôi, khi đó, tôi biết ông Nhận, ông Toàn và anh Hùng Hào là chơi diều "nghề" nhất, có diều to và sáo thì hết chỗ chê. Bây giờ thì ông Nhận đã "về với ông bà", anh Hùng Hào đã qua bên Ba Lan định cư đã lâu, ông Toàn thì tôi xa quê đã lâu nêb không rõ. Chộm nghĩ, bây giờ mà có còn ai có thú chơi diều chắc cũng khó ai có công phu và đam mê bằng ba cái tên kể trên. Ra đồng Hiệp, đồng Thày, đồng Canh, đồng Nủa , đồng Chàng, chỗ nào cũng thấy diều. Có trẻ con chúng tôi thì chơi cái diều con con, ngoe nguẩy lượn trong gió dưới. Còn cái diều đại, to như cái phản thì chỉbkhi trời lộng gió trên, diều mới lên. Dù cho ở dưới cánh đồng im ắng, oi ả bóng bức thì cái gió trên vẫn giữ đc cánh diều và tiếng sáo.
Làm diều như các ông ấy cũng lắm công phu lắm. Tôi được nghe ông Toàn kể thì phải lên tận Ba Trại, Hát Môn mới kén đc cái thứ hóp đá cứng, thân nhỏ, rắn mặt, đặc ruột. Nhưng lại phải tìm cây hóp chết dóc, đỏ tía, nhẹ bõm thì mới lấy. Cây hóp đá bửa đôi mà đem làm đòn gánh thì mềm và bền cụ cố. Đem về ngâm dưới ao cả mùa, cả năm. Ngâm xong rồi mới lôi ra vót nan, buộc thành hình cái diều rồi lại đem gác bếp cho khói hun tới óng đỏ, dẻo dẻo thì mới được. Xong đâu đấy thì phứt nilon. Phứt xong lấy sơn bôi lên cho bền giấy. Dây thì mua loại dây người ta làm trẫm kéo cá, bện to như cái đũa mới chịu được.
Xong việc đâu đấy rồi mới sửa sáo. Lên tận vùng Hát Môn, Tổng Cốc mày mò mới kiếm đc sáo tốt, không phải hàng chợ, nhưng cũng chỉ lấy đc cái lưỡi sáo và đôi miệng sáo đẽo bằng gộc tre đực. Thân sáo lại phải về làng nhờ mấy ông thợ tiện tiện giúp. Tôi nhớ là có 3 thứ sáo diều: sáo còi nhỉnh hơn ngón tay cái. Sáo đẩu to như ống nứa. Sáo chiêng- trẻ con chúng tôi gọi là sáo tù và to, dài như đốt vầu, ống dài nửa thước, hai miệng loe, nom cái sáo to tướng như con trăn. Hôm nào gió nhỏ, lắp sáo còi; gió lửng thì chơi đẩu; có gió trên mới đóng sáo chiêng.người ra đồng thả diều vào hôm trời quang và lắm gió trên. Cả đàn trẻ con xúm lại xem diều của ông Nhận, ông Toàn hay anh Hùng đã bày ở đồng. Cái cuộn dây to đùng, cọc to bằng cái cổ tay để cọc diều khi diều lên đứng. Vì cọc mà không cẩn thận, gặp gió lớn thình lình, cả tảng đất bị lôi bật lên. Có lúc gặp gió bão mà ko kịp cuốn dây, đứt dây, phải chạy theo qua mấy cánh đồng mới tìm đc chỗ diều hạ xuống. Có khi diều đâm sạt mái nhà, đổ cả bụi chuối như bỡn.
Đâm diều thì phải cần một người lớn, to cao, lực lưỡng vác diều ra giữa cánh đồng đâm lên. Ông cầm dây thoăn thoắt chạy, nhử và thả dây. Nghe chừng diều hết nhao, lên cao dần, vào gió trên mới thong thả cánh tay, diều bay thong thả trên trời trông thích thú làm sao. Cọc diều rồi, đêm trăng sáng không nhìn thấy diều đâu nhưng vẫn thấy ù ù tiếng sáo. Lũ trẻ con chúng tôi lại bày trò đố nhau thằng nào nhìn thấy diều. Cả đám nghển cổ nhìn, cố tìm. Chỉ có trẻ con thì tò mò, còn người lớn đã cởi trần trùng trục, ngồi uống rượu với nhau. Thức nhắm là một rổ ốc vặn, ốc đá luộc ,ban trưa ra ao Lò Lợn, đập tràn xúc được một mẻ. Chúng tôi cũng nhể ốc ăn rồi lăn kềnh ra nằm nghe sáo diều, rồi nằm ngủ lúc nào không hay. Sáng mở mắt dậy thì chỉ còn trơ mấy thằng trẻ con lăn lóc. Từ gá gáy các ông đã thu diều xuống rồi về nhà lại mỗi người việc. Chiều đến lại đem diều ra thả, như đêm hôm qua. 
Tuy tôi đã lớn, xa quê cũng tương đối. Không biết giờ có ai trong làng giỏi chơi diều nữa không? Tôi thì vẫn nhớ cánh diều chao lượn, tiếng la hét thích thú, tiếng sáo vi vu trên cánh đồng quê.




    

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Nhạc

Bây giờ là nửa đêm. Ngày cuối tuần, sau khi đã làm xong các công việc thì tôi lại quay về góc nhỏ, lôi bất kỳ cuốn sách nào đó ra đọc. Đọc sách mà cảm thấy không tập trung đc. Tôi bật lên những bài hát mà mình yêu thích. Nghe những bài hat của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy qua tiếng hát Tuấn Ngọc thấy mình như một ông già 50. Nhưnh biết làm sao đc, nó đã là sở thích thì không có ranh giới.
Ngày trước, khi còn thiếu niên ( tuổi teen) tôi cũng suốt ngày nghêu ngao, nghe các bài hát của Đan Trường, Quang Vinh. Ko có đĩa CD nào của 2 tên tuổi này mà tôi ko có. Chút nữa thì biết nghe Đàm VĩnhHưng. Đó là cả một quãng thời gian mà tôi "đắm chìm" trong một lăng kính màu hồng. Nhìn sự vật bằng những ánh mắt mơ mộng.



                            Ảnh trong một lần đi xem Liveshow ĐT

Khi tôi bắt đầu đi học chuyên nghiệp, bắt đầu đc nhìn thấy những cái bon chen, đố kị của cuộc sống bên ngoài. Biết yêu các cô gái, đc nếm trải cái mà có tên "tình yêu". Rồi cuộc sồn thường nhật,Làm gì, nói gì cũng phải nhìn trước, ngó sau chứ ko "ba toác" như ở nhà đuợc. Sẩy miệng là ngỏm củ tỏi chứ chẳng chơi. 
Khi đó tôi đã bắt đầu nghe nhạc của Đức Huy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Phạm Duy. Vũ Thành An là nhạc sĩ nổi tiếng với series ca khúc "Bài không tên số...". Bài nào tôi cũng nghe qua, cuzng thích nhưng thích nhất là loạt "bài không tên cuối cùng, bài không tên cuối cùng tiếp nối, bàibkhông tên số 8, đời đá vàng, anh đến thăm em đêm 30...". Nhạc Đức Huy thì luôn thấy đc sự yêu đời trong bài hát, chẳng có bài nào là thấy buồn cả. Trịnh Công Sơn thì thấy được chất đời, chất thiền trong các bài hát phản chiến, ca khúc Da Vàng. Nghe nhạc TCS là phải thật thoải mái để mình thả hồn vào bài hát. Người ta nói nhạc Trịnh là của Khánh Ly. Đúng là Khánh Ly sinh ra để hát nhạc Trịnh, còn tôi lại nhận ra cá nhân mình nghe nhạc Trịnh chỉ có Cẩm Vân và Tuấn Ngọc là hay nhất.




Giờ đây, khi đã thấy mình "người nhớn" thật sự thì nhạc Phạm Duy như một thứ "tôn giáo". Một người sáng tác đa thể loại. Tình ca, đạo ca, tục ca....đủ thứ trò để nghe. các bài hát như: Tình ca, bà mẹ Gio Linh, kỷ niệm, nghìn trùng xa cách, cây đàn bỏ quên, chỉ chừng đó thôi, con đường cái quan, áo anh sứt chỉ đường tà.
Không phải ngẫu nhiên mà tôi lại minh hoạ một bức hình "hổng liên quan" với một cô gái và bãi biển phía sau. Vì bài hát mà tôi yêu thích nhất của PD là bài "Nha Trang ngày về". Chỉ cần nghe các câu hát: "cát trắng, thơm tho lùa vào trong cánh tay. Nào ngờ cát úa tuôn ra dần dà, chẳng có hay. Ân tình trong lúc đôi mươi, bao giờ cũng vẫn mau phai, cho ngàn thông réo tên ai từ đó. Lớp sóng mơn man, thịt mềm da ngát hương. Nào ngờ sóng cuốn trôi đi, lầu vàng trên bãi hoang. Khi tình tôi chít khăn tang, ai gào ai giữa đêm trăng, cho từng lớp sóng mơn man".
Lời lẽ rất "phồn thực". Biển Nha Trang cũng đã ghi dấu những ngày đẹp nhất của tuổi trẻ. Giờ đây, mỗi lần đi công tác qua Nha Trang là lại nhớ về cô bé năm nào cùng bãi cát. Những ga Nha Trang, đuờng Trần Phú và cả cái khách sạn mà tôi đã ở. Có dịp đi Nha Trang là điện thoại đặt đúng khách sạn, số phòng đó. Phải chăng là để ôn lại kỷ niệm, về đó tìm dư âm chăng? 
SaiGon, october 4th, 2014.