Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Chuyện cái quạt.


Mấy hôm trước, tôi đi công tác một mình ngoài Phan Thiết mấy ngày. Cái số xui rủi thế nào mà ra đúng vào mấy hôm cúp điện. Chủ khách sạn đành phải “nói khó” với tôi để dùng quạt thay cho điều hoà vì máy phát điện công suất nhỏ không tải được điều hoà. Lại nghĩ được ra chuyện xoay quanh cái quạt, nhưng là quạt giấy ở quê hay dùng chứ không phải cái quạt mo trong chuyện Thằng Bờm nổi tiếng.



Ngày xưa, Từ phương Đông, cái quạt du nhập sang phương tây. Châu Âu máy móc và lý trí gọi cái quạt là chiếc bình phong nhỏ di động, dùng để quấy đảo không khí, làm cho mát. Châu Âu cũng có nhiều quạt. Đặc biệt, giới quý tộc dùng nhiều quạt rất cầu kỳ vì họ coi chúng là một loại đồ trang sức năng động và tế nhị: quạt có đăng ten, quạt lụa màu, quạt có gương, quạt có đá quý quạt đồi mồi v.v… Phụ nữ và nhất là các bà mệnh phụ hay dùng quạt để nhìn kỹ một hiện tượng, dáng nét nào đó mà vẫn không trắng trợn hoặc sỗ sàng. Trong các màn trai gái yêu nhau kiểu mèo vờn chuột, cái quạt lẳng lơ đã thể hiện được nhiều điều xuất sắc Chiếc quạt mở ra một phần hay toàn phần che ngang bộ ngực thiếu nguỵ trang, cầm ngược, cụp lại xòe ra từ từ, huơ lên, hạ xuống v.v… đều là những tín hiệu quan trọng mà chỉ người trong cuộc mới giải mã được. Cái quạt còn dùng để nguỵ trang, đánh lừa, nũng nịu đối phương. Tại bảo tàng Louvre (Pháp) có lưu trữ nhiều loại quạt của thế kỷ 17, 18. Bảo tàng Manhattan giữ nhiều bức danh hoạ có các thiếu nữ cầm quạt của nhiều thời đại. Bức nổi nhất là bức "Cô gái cầm quạt" của hoạ sĩ Barthe Marisat. Bức hoạ này vừa được lưu ý về cô gái đang ở trạng thái nóng nực, vừa được lưu ý về cái quạt được xoè ra, say sưa hết cỡ.

Nước ta là một trong những quê hương của cái quạt. Ở Hà Nội xưa, tại phố Hàng Quạt, có đình Hàng Quạt, có thờ tổ sư nghề làm quạt họ Đào, người làng Đào Xá, Ân Thi, Hải Hưng. Chính dân Đào Xá đã ra Kẻ Chợ lập phường làm quạt và dựng lên ngôi đình này. Khi tôi lớn lên, thấy quạt Hưng Yên, quạt Phù Ủng, quạt Hữu Bằng (Nủa), Chàng Sơn – Thạch Thất… là có tiếng nhất. Có rất nhiều loại quạt: quạt trầm hương, đồi mồi, lá nan, lông gà… Quạt hầu bóng, quạt thằng Bờm, quạt lễ quạt rước quạt tiến, quạt kéo, quạt thước v.v… Quạt kéo có cánh 180 x  70cm, lợp vải và có hệ thống dây cho một người kéo, làm mát được không gian rộng. Nó xuất hiện ở Hà Nội từ thời Pháp, trong tiểu thuyết “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân có nói về xuất xứ loại quạt này,cỡ năm 1914, 1915 gì đó. Rồi trong tiểu thuyết “Quê Nhà” của Tô Hoài cũng có nói đến đoạn hai đứa trẻ con làm “tai mắt” cho bác Bếp, dân làng Vọng trong thành Hà Nội, cũng làm chân quạt mát cho viên Quan Ba của Pháp, cũng kéo một cái dây dài từ bên ngoài để quạt mát cho quan. Quạt thước dài chừng 45cm dùng cho những người có tuổi ở nông thôn. Nó vừa che nắng vừa che mưa, đuổi chó. Cho nên, còn gọi là quạt đánh chó. Năm 1944, nhà văn Nguyễn Tuân mặc áo gấm, khăn đóng, tay cầm cái quạt thước to xòe ra, vào quán TAVERRNE ROYALE, được mọi người xúm xít lại nhìn ngắm, trầm trồ. Đặc biệt là những khách người Pháp đánh giá rất cao cách ăn mặc này kèm cái quạt thước độc đáo. 


Nói về cái quạt, bà Hồ Xuân Hương cũng có một bài thơ về cái quạt
Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa 
Duyên em dính dáng tự ngày xưa
Chành ra ba góc, da còn thiếu 
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa 
Mát mặt anh hùng khi tắt gió 
Che đầu quân tử lúc sa mưa 
Thì thào ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?


Ngày trước, tôi hay được nghe lỏm mấy bà buôn chuyện đầu ngõ gọi mấy chuyện chị em chỉ nói nhỏ được với nhau gọi là "chuyện sau cái quạt". Đơn vị bắn pháo cao xạ đầu tiên của Việt nam đã ra lệnh: "Bắn rẻ quạt" tức là bắn toả để đạn rải ra, chặn máy bay địch. Ở một vài cấu trúc chạm trổ trong những đình chùa có những chi tiết từ không gian hẹp mở ra không gian rộng gọi là chi tiết rẻ quạt. Người con lấy làm sung sướng được săn sóc mẹ trong những lúc nóng bức cũng như những lúc lạnh lùng được gọi là "quạt nồng ấp lạnh". Người con trai được quạt cho người con gái hoặc ngược lại, người cầm quạt cảm thấy mát mẻ hơn người được quạt: Dễ ai rấp thảm, quạt sầu cho nguôi. Cái quạt giấy Việt nam, dù to dù nhỏ bao giờ cũng chỉ có 17, 18 nan. Chưa bao giờ có quạt 16 hoặc 19 nan. Hồ Xuân Hương đã rất đúng khi viết: 

Mười bảy hay là mười tám đây!

Cho ta yêu dấu chẳng rời tay
 


Tình yêu của đôi lứa còn đến mức: Để cho cái quạt long nhài đến cái mức tan nát, vô phương cứu chữa. Vị trọng tài cao quý của võ sĩ Sumô Nhật Bản tay cầm quạt chỉ huy, ra lệnh, chỉ định người thắng, kẻ thua. Nó đại diện cho quyền uy và chân lý. Trong những cuộc múa Chăm của đồng bào Chăm ngoài Bình Thuận, Ninh Thuận mà tôi đã được xem tận mắt, múa quạt là một đỉnh cao. Cái quạt trong tay các vũ nữ là con công, gà, phượng, rồng, bướm, là gió, mây, là tất cả… Vai thi sĩ, người hào hoa, pong lưu trong phim chưởng Tàu bao giờ cũng cầm cái quạt trong tay để giãi bày, giở bài thơ ra ngâm, hơi che mặt nghiêng nghiêng làm duyên, khi đánh nhay còn dùng quạt để “tẩn” đối phương như Càn Long đời Thanh bên Tàu là một ví dụ. Khi thi đỗ, Lưu Bình trở về thấy người yêu đã biến mất. Trong tay cầm cái quạt không biết mở ra hay cụp vào. Chàng bỗng vung quạt lên và ngâm một câu "sổng" bất hủ và ngơ ngác: Nàng bỏ đi đâu? Phòng loan lạn li ngắt… Trong vở "Tuần ty đào huế" anh Tuần Ty trong tay chỉ có một cái quạt. Bên anh ta là vợ chính thức và người vợ "nhặt" yêu quý đang đánh ghen với nhau. Anh phải can ngăn dàn xếp. Cái quạt đã giúp anh che bên nọ, chắn bên kia. Cái quạt đã giúp anh lột tả được những giây phút bối rối, năn nỉ, bực mình, vui vẻ, hối hả, dàn hoà... Trong Truyện Kiều, Kim Trọng thề bồi với cô Kiều cũng xòe quạt. Quạt này gọi là quạt thề, quạt ước. Nó giúp chủ nó thể hiện trạng thái tâm hồn vui sướng hay sầu muộn, điên loạn hoặc mơ hồ hoặc chói chang sắc lạnh. Có lúc lại chập chờn mê sảng. Cái quạt có giá trị biểu đạt rất lớn trong nghệ thuật chèo vì nó được sử dụng triệt để. Cái quạt Việt nam vừa được dùng để quạt mát vừa là vật trang trí rất quan trọng và thật đáng yêu. Thật vậy cái quạt giấy 1 7 hoặc 18 nan được nhuộm bằng nước màu phẩm với màu hồng nâu nhạt thân thiết của Hưng Yên hay Nủa, Chàng Sơn vẫn có duyên nhất, phổ biến nhất, tiện dụng nhất: Hồng hồng má phấn duyên vì cây Chúa dấu, vua yêu một cái này… 




Chẳng biết những cái tôi kể ở trên có đúng với các điển tích trng truyện cổ chưa. Hy vọng là nhớ không nhầm. Mong được bạn đọc chia sẻ và sửa lỗi giúp. Viết vội nên cũng thấy thiếu mà không nhớ được thiếu gì.
                                                                                      Chợ Lớn, 21 / 08 / 2014

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Viết nhanh

Đang ngồi nghĩ vẩn vơ, ông anh làm cùng rủ đi nhậu. Vậy là hai anh em ngồi nhậu với nhau. Anh kể hôm nay đã giải quyết dứt điểm chuyện vợ chồng anh ly hôn. Không cần phải nói, chuyện buồn nên anh nói nhiều. Đủ thứ cảm xúc chen nhau. Anh nói ra nhiều lý do. Trong đó, tôi thấy có một lý do mà nghe có vẻ vô lý nhưng suy rộng ra có thể nó là "căn nguyên" của mọi thứ về sau. Đó là chuyện "nó nấu ăn dở lắm mày".
Hơn ai hết, tôi hiểu được cảm giác từ đang có một gia đình êm ấm, xảy ra chuyện và đi tới tan vỡ. Vì tôi đã sống chung với cảm giác này đã 19 năm. Mà thôi, không nói chuyện này nữa. Tôi đang muốn tìm cái lý do "nó nấu ăn dở lắm" để xem nó ra sao mà tôi dám phán "vô lý nhưng có thể nó là căn nguyên của những chuyện về sau".
Khi đọc tới chỗ này, chắc sẽ có người cười: Ối giời, chuyện trẻ con! Yêu nhau để cưới vợ chứ có tuyển đầu bếp đâu mà bếp núc.
    Nhưng tôi trộm nghĩ không phải đâu. Tôi vẫn thấy chuyện nấu nướng khá là quan trọng trong đời sống vợ chồng. Tất nhiên chuyện nội trợ chẳng đóng vai trò gì đáng kể trong quá trình yêu nhau giữa một chàng trai và một cô gái. Từ trước đến nay, có hàng ngàn cuốn tiểu thuyết Đông Tây kim cổ viết về đề tài tình yêu, nhưng chẳng có cuốn nào đề cập đến một mối tình trong đó chàng yêu nàng vì tài làm bếp hoặc chàng bỏ rơi nàng vì món mì gói nàng nấu quá mặn cả. Romeo của ông Shakespear ở tận bên Anh đã bất chấp sự hiềm khích giữa hai dòng họ để đeo đuổi Juliet đó thôi, chắc chắn không phải vì món ăn nào đó của cô ta. Điều đó chẳng có gì sai, vì các nhà văn viết chuyện ái tình chứ đâu có viết chuyện hôn nhân. Do đó tôi vẫn tin rằng mối tình Romeo và Juliet sở dĩ trở nên tuyệt đẹp bởi cả hai đã chết trước khi họ kịp lấy nhau và nàng Juliet chưa có dịp nấu ăn cho Romeo. Ai đó thử ngẫm mà xem: Có phải trên thực tế, cho đến khi rước được người đẹp về nhà các chàng trai gần như không có lấy mảy may cơ hội để đánh giá tài bếp núc của người bạn đời tương lai?
    Chỗ này tôi nói rõ để tránh gây hiểu lầm: Đó là do các chàng trai không quan tâm đến chứ không phải các cô gái cố tình giấu giếm. Đang tắm mình trong bầu không khí lãng mạn của những ngày tháng yêu đương thì cái ăn rõ ràng chỉ là chuyện thứ yếu, thậm chí còn bị xếp vào phạm trù phàm tục. Yêu dứt khoát phải thơ mộng hơn ăn, như trái tim nhất định phải cao quí hơn dạ dày. Roméo thời xưa chắc từng nghĩ thế và Romeo thời nay cũng không nghĩ khác.
    Rồi hãy ngẫm tiếp: Có phải khi yêu nhau chàng vẫn thích dẫn nàng đi ăn ở ngoài? Nhiều tiền thì vào nhà hàng sang trọng hoặc khu ăn uống ở các plaza, ít tiền thì vào các quán ăn bình dân, ít tiền hơn cả ít tiền thì ra ngoài lề đường ngồi lai rai nghêu sò ốc hến. Còn hôm nào rỗng túi thì chàng quyết nằm bẹp ở nhà, với lý do hết sức cao cả “Hôm nay anh bận việc cơ quan”. Chẳng chàng trai nào nghĩ đến chuyện rủ người đẹp về nhà bắt nàng nấu cho mình ăn. Như có lần một anh bạn tôi dẫn người yêu ra mắt bạn bè, có thằng hỏi: Rứa hắn có biết làm mồi nhậu không mi? Thằng bạn tự đắc vênh mặt lên: Anh là người đàng hoàng, yêu nhau bằng thị giác, thính giác, khứu giác và xúc giác, chỉ có bọn phàm phu tục tử như các chú mới yêu nhau bằng vị giác!
    Bạn tôi nghĩ đúng quá, và chẳng chàng trai nào buồn khảo sát tài nấu nướng của kẻ sắp phụ trách khâu ẩm thực cho suốt quãng đời còn lại của mình. Mãi đến khi tấm lưới hôn nhân đã giăng ra, người đàn ông khốn khổ đó mới phát hiện lãnh vực mà chàng chẳng mấy chú ý khi yêu nhau lại là lãnh vực mà chàng phải chạm trán hàng ngày khi lấy nhau.
    Khoa nấu nướng vốn xa lạ với đời sống tình yêu nhưng lại trở nên mật thiết với đời sống vợ chồng. Tài nội trợ của nàng chưa bao giờ được đếm xỉa đến trong những tiêu chuẩn kết bạn của chàng bỗng nhiên nổi lên như một yếu tố hàng đầu trong việc góp phần vào việc củng cố hay làm tan nát gia đình. Vào một ngày có lẽ là không xa lắm, chàng đau khổ nhận ra chàng phải đối diện với cái bàn ăn trong nhà mỗi ngày tới những ba lần. Nàng có biết nấu mì gói hay không, cái chuyện vặt đó bây giờ bỗng trở thành thiết thân, thường trực và đáng đem ra chì chiết nhau hơn bao giờ hết.
Nhưng nói đi phải nói lại, những gì tôi luyên thuyên ở trên nãy giờ về mối quan hệ giữa nấu nướng và hạnh phúc, giữa phòng ăn và phòng ngủ thực ra chẳng có gì nghiêm trọng hết. Bởi một lý do hết sức đơn giản: nấu nướng là thứ DUY NHẤT hoàn toàn có thể học hỏi và tự hoàn thiện mỗi ngày - dĩ nhiên với điều kiện người vợ quyết tâm hoàn thiện để giữ không cho chồng mình sa vào cái bếp của một người đàn bà khác. Chính cô bạn của tôi cũng vậy. Khi còn là sinh viên, thi thoảng tôi xuống chỗ bạn chơi. Bạn toàn ngồi máy tính chờ bạn của bạn nấu xong thì "xực". Có lẽ với bạn ấy việc ốp la một quả trứng còn khó hơn cả việc con người đi lên sao Hoả. Giờ bạn ấy đã lấy chồng, và khả năng nấu ăn đã được cải thiện đáng kể. Biết nấu nhiều món cầu kỳ lắm rồi. Vì trước khi cưới bạn đã tham gia một khoá học nấu ăn cơ bản.
Tóm laij, qua chuyện của ông anh đồng nghiệp với tôi là chuyện buồn. Nhưng vì câu nói của anh mà tôi nghĩ uý lạo thêm được chút. Chắc anh có biết cũng không giận tôi. Có ai có ý kiến nào khác về chuyện này xin góp ý thêm. Vì chính bản thân tôi, một kẻ chưa vợ mà dám đi "phân tách, mổ xẻ" chuyện Hôn nhân - Gia đình như "đúng rồi". Rất mong lượng thứ. Chỉ là viết chơi mà thôi.

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Tản mạn về Chuột

Ở entry “Bắt Chuột” tôi đang nói về con Chuột.  Lan man quá lại nghĩ ra mấy thứ để “tản mạn” về con chuột và người cũng có chút lien quan, xin kể vui ra đây.
Nếu kể ra thì chuột cũng như người, hay bị mang tiếng. Nhưng người thì lắm kẻ xấu tính, xấu nết vẫn vênh váo cãi sống cãi chết ta đây chỉ mang tiếng thôi. Còn con chuột thì dẫu mang tính cũng đành phải âm thầm, cam chịu.



Giải  thích theo môn Sinh vật học thì con chuột vốn là một họ, có nhiều chi. Hình thể và bộ dạng cũng khác nhau. To béo và lực lưỡng nhất là anh Chuột Cống. cũng là do người ta tuỳ tiện đặt tên thôi, vì chuột cống hay kiếm ăn ở cống rãnh trong làng, thành phố. Cũng thằng Chuột Cống ấy, vậy mà đến mùa gặt ra ở đồng có nhiều thức ăn lại được vùng Kẻ Núc quê tôi đặt cho cái tên rõ là béo tốt: con “Tí ù”. Người ta ghê con chuột ở bẩn, nhwung khi con chuột cống ra đồng và được “thăng chức” Tí ù thì ai cũng khen thịt Tí ù “thơm ngon, không tanh như chuột cống” ????!!!!!! Dẫu chuột đồng hay chuột nhà thì cũng một nó cả mà thôi. Mùa lúa, chuột trong làng kéo ra đồng làm ổ trong đống gốc rạ, trong hang trên gò rồi ngày ngày xuống ruộng nhặt thóc. Lại sinh con đẻ cái ngoài đồng cho đến sang tháng giêng cánh đồng trơ trọi không còn thóc rụng, vợ chồng con cái nhà chuột lại dắt díu nhau vào ở trong làng…..
Những con cầy, con cáo hay lung bắt gà. Vì cầy, cáo cũng giống chuột cống, thành thử chuột cống bị tiếng oan, chứ cầy cáo có họ hàng, “dây mơ rễ má” gì với chuột đâu chứu. song quả tình thì những lúc đói kém, cũng đôi khi chuột cống mon men quanh chuồng gà rình quắp cổ gà. Đói ăn vụng, túng làm càn, thì đến con người cũng thế. Còn, cái bọn chuột nhỡ nhỡ, mà cái tên chỉ hủn hoẳn là “Chuột”, ở đâu thì chuột cũng nhỡ nhỡ thế. Trên thế giới này thì ‘dân sô” chuột có lẽ còn đông hơn cả người là cái chắc. chuột nhỡ này thì cả đời tầm vóc cũng chỉ có vậy mà thôi, không thể rồi sẽ to ra như chuột cống và cũng không phải con chuột nhắt lớn lên rồi sẽ bằng thế. Chuột nhắt, chuột chù cùng là hai họ chuột, nhwung chuột chù họ xa. Chuột nhắt leo trèo quanh chạn bát, rúc ráy trong bồ thóc. Khi hiếm cái ăn thì cũng gặm giày vải, bít tất, những thứ quần áo ẩm xì quên giặt- nói vậy thôi, chứ răng loài chuột nó dài ra lien tục, nó cắn các thứ không phải vì đói, mà để mài răng, tôi học trên ghế nhà trường 16 năm nên có thể giải thích cái này một cách hợp lý nhất. còn chuột chù thì nhỏ bé như chuột nhắt, ngườ ta khinh khỉnh, chế giễu: hôi như chuột chù… chuột chù chậm rề rề và hôi hám thì đứng đầu bảng. không biết vì chuột chù hay đái són, vãi đái hay bởi chuột chù rúc ráy trong xó ẩm ướt cho nên quanh năm hắn ta cứ lướt thướt lôi thôi như vừa lôi dưới ao lên. Có lần tôi đọc sách về loài chuột thì giờ lại nhớ về cái “lý lịch” rắc rối của anh chuột chù này. Có ông kỹ sư nông nghiệp bên Pháp bảo chuột chù giống chuột, nhưng không phải là chuột, không có tí họ hàng gần xa nào với chuột cả. tên của nó là con Taupe. Ông ấy viện nguồn của cuốn từ điển Larousse xuất bản năm 1957, con Taupe: loài có vú ăn sâu bọ. và không nói gì đến chuột. rồi lại thêm cái quyển từ điển Pháp – Việt 1981, Taupe: Chuột chũi. Quả tình tôi không biết chuột chũi là cái giống chuột gì! Vậy thì đành bỏ qua cái dây mơ rễ má thằng chuột chù chỗ này, không dám huyên thuyên láo. (Hy vọng, đọc bài này có bác Phạm Ngọc Hiệp, bác là người có rất nhiều từ điển, từ sinh vật học, cơ khí, truyện Kiều, Thần học Kito giáo, tiếng Hán, Pháp, Việt bỏ chút thời gian tra giùm con. Con cám ơn bác lắm lắm).
Còn nhà Chuột Bạch thì không biết gốc gác nhà nó từ đâu ra? Chuột bạch nhỏ con, trắng bong, đẹp mã nhưng cả họ chuột đều chê chuột bạch hèn, lười ỉ lại. người ta mua chuột bạch ở chợ về, thả vào lồng, vãi lúa, gạo vào cóng cho nó ăn dần dà. Thân phận chim lồng cá chậu nuôi để người ta làm cảnh như chơi cây, chơi hoa. Rồi thì các nhà khoa học bảo chuột đem bệnh dịch hạch làm lây cho người. chuột mắc dịch hạch từ bảo từ bao giờ? Có phải thế hay không nữa?
Kể về sinh vật học đủ rồi. bây giờ luận qua về những tai tiếng và gian truân mà giống chuột phải chịu đựng. Ôi! Sao mà kể xiết đây? Đau nhất là chuột bị săn bắt đem đi làm thịt. con mèo thì chuyên đi bẳ ăn chuột. đến con người cũng khoái xực thịt chuột mới ghê. Người ta làm các món luộc, xào, rán thịt chuột, cứ cho là ngon miễn chê đi. ở quê tôi đây, cứ chiều đến sang chợ Canh là lại thấy người ta bày bán từng xâu chuột đã bẻ răng, mâm chuột thui sẵn vàng rộm. thèm ăn chuột chế biến sẵn thì cứ  nhà Nguyên Bút, Hoa Thanh ở xóm Ao Thuyền mà thẳng tiến, xin mời. khi còn ở quê, khi mùa gặt xong là chúng tôi cũng lập nhóm ra đồng bắt chuột. thịt chuột mà rán lên thì ngon, thơm như thịt chim sâu, chim ngói, đánh chén tốt. Khuất mắt trông coi, ai biết đấy là đâu, chuột đồng hay chuột nhà mà người ta bảo chỉ chuột đồng ăn thóc mới sạch. Chuột bị đánh thuốc, bị bẫy. người ta diệt chuột. cả làng xã tổ chức đợt đánh bả, chuột hết chỗ lẩn, chết lăn khắp nơi. Ngoài đường lúc nào cũng nheo nhéo tiếng rao và đọc cả thơ bán thuốc chuột: “ Bả chuột! Bả chuột đây! Chuột Tây cũng chết, chuột Maroc cũng đi đời!”. bả chuột của anh Tàu sản xuất còn vật chết cả bò đấy. Chuyện lạ mà thật, cái thứ bả ngửi năm nào chả làm chết cả con bò nhà Ba Tói ở xóm Xép xui xẻo ngửi phải, đã cũ đâu. Cái lồng chuột bằng dây thép để bẫy sống chuột. nhưng gặp phải những cụ chuột già thính mũi và từng trải đường đời đánh hơi biết con chuột hôm trước bị mắc bẫy, lảng xa. Thằng người còn khôn hơn, đem ngâm nước lồng bẫy cho hết hơi chuột. rồi lão chuột khôn lỏi kia cũng có lần sập bẫy. 
Bao nhiêu cái xấu thì gán cho chuột, kể cả lời ăn tiếng nói. Nhữn câu rủa: đồ chuột bọ, đồ chuột ngày, đồ chuột chết, cháy nhà ra mặt chuột. đàn ông mà ông nào xấu tướng, mặt choắt, chòm râu lưa thưa vài sợi liền bị chế là người mặt chuột, có bộ râu chuột. họp hành linh tinh, bàn bạc hão kiểu trẻ con gọi là hội đồng chuột. anh con trai nào quắp được cô ả nhà giàu, thiên hạ bĩu môi: chuột sa chĩnh gạo- việc chả bận gì đến chuột. cái giấc mơ mang tên con chuột cũng vào lúc đất trời mù mịt nử đêm, giờ Tý canh ba. Thật vu vơ và bậy bạ hơn là người ta đang bơi trên song hồ, bỗng bắp chân tê dại, cứng đơ, chết chìm cũng gọi là bị Chuột rút. Người ta đặt vè khích bác lão mèo cũng mượn lời đổ cho chuột thâm hiểm: Con mèo mày trèo cây cau. Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà? ( hỏi thăm đâu! Mèo tìm bắt chuột đấy chứ). Chú chuột đi ch đường xa. Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.  Tết đến, ngoài chợ bán tranh “Đám cưới chuột”. Được, hay đấy. Cậu tiến sĩ chuột vinh quy bái tổ, đội mũ cánh chuồn vểnh ria cưỡi ngựa, oai chẻ, mợ chuột ngồi trong kiệu đi sau có phường kèn đi trước, có lính chuột đội nón dẹp đường. Nhưng đứa nào lại vẽ láo lếu có một thằng mèo ngồi lù lù ở trên, lính chuột xách con cá chép đến líp mõm. Nói phét, chuột mà thấy mèo thì không thèm nhìn mặt chứ đâu cảnh khúm núm thái bình vậy chứ!



Nào, thử xem tiếp xem có thứ gì thiên hạ làm vui, làm tốt đôi chút cho chuột không? Cũng là tán phét thôi. Mới nghĩ ra chuột rúc. Nghe tiếng chuột rúc, nông dân bảo chuột đuổi nhau rúc rich, thế là chuột cười đùa, điềm no đủ, bồ đầy thóc, được mùa. Thứ nht đom đóm vào nhà, thứ nhì chuột rúc, th ba hoa đèn. Tết đến, xem trên tivi thấy người ta bắn pháo hoa, hết hoa cà hoa cải nở tua tủa đến đoạn trổ ra màu xanh đỏ rối rít, lũ trẻ con bọn tôi lại reo to: Chuột chạy! Chuột chạy! các ông bà chuột vui trong pháo hoa đốt mừng. còn như thằng người đặt tên quả dưa chuột thì rõ là vô lý, vô lý đùng đùng. Chắc lẽ vì dưa chuôt thon giống con chuôt. Nhưng quáng mắt rồi, con chuột màu xám còn quả dưa thì xanh lè lè. Trong Nam người ta gọi dưa leo phải hơn, cây dưa trồng ngoài ruộng leo trên giàn. Ôi! Chuột có bao nhiêu cái tử tế  mà vẫn mang tiếng. bảo chuột mang bệnh truyền nhiễm các giống bệnh nguy hiểm mà sao trên thế giới, những phòng thí nghiệm các thứ thuốc, cứ lôi chuột ra mà tiêm, nào bắt chuột ăn, bắt chuột uống nước. thế là chuột đã xả than, nhận cái chết thay cho con người đó thôi, quân tử quá còn j nữa. chuột còn dạy đạo đức cho con người nữa. truyện  dân gian “ Trinh thử”.  Chuột chồng đi vắng, chuột vợ ở nhà trông nhà, trời mưa một chàng chuột lạ vào hang xin trú chân. Thình lình chuột chồng về thấy thế cho là chuột vợ long dạ trăng hoa bèn giận bỏ đi. Chuột vợ uất quá, khóc lóc kể cái oan với ông thầy đồ đi qua. Thầy đồ tìm chuột chồng khuyên giải, chuột nghe ra, hiểu vợ mình đoan chính. Đúng rồi, chuyện vợ chồng chuột là chuyện ngụ ngôn dạy đời, giáo dục đặc tính thuỷ chung co con người đấy thôi.
Hôm nay, ngồi viết tiếp về chuột vì ở quê tôi mùa này người ta ăn thịt chuột nhiều, bạn bè tôi ở quê cũng hay đi uống rượu thịt chuột rồi mời tôi qua điện thoại. lại ôn lại quãng thời gian “kiếm tiền” bằng đuôi chuột, rồi lại đi chén thịt chuột. Mùa này, ở quê mà ra đồng hun chuột, bắt được con “tí ù” đem luộc lên rồi rắc lá chanh, chấm tương ta, nhắm rượu thì ngon làm sao. Ngồi thanh minh cho chuột, lại đi ăn thịt chuột, âu cũng là cái thói xấu cố hữu của một thằng người như tôi.

SaiGon, 27 / 10/2014