Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Đất

Đi nhà sách chơi, vô tình liếc thấy quầy bán những bộ ấm trà, xong nồi bằng đất nung. Bây giờ, đang ở cái thời buổi nilon, đồ nhựa, ... thử nhớ lại xem cái thưở còn thịnh vượng tranh tre nứa lá ở quê xem thế nào.
Cách đây chỉ khoảng hơn chục năm, lúc tôi còn là cậu bé nhỏ xíu. Mỗi lần được mẹ cho đi chợ Sấu, chợ Săn hay chợ Nủa, hay trông thấy những cái xe đạp thồ, xe cải tiến như chở cả cái đống rơm lù lù, nào là những cái ống đánh lươn bằng giang, những cái đó, cái lờ bẫy cá diếc- những thứ tre pheo, giang nứa đó khi tôi còn ở Sơn Tây, mỗi lần ra chợ Nghệ là cả một góc chợ ngổn ngang các bu gà, đó, đăng, đơm, chổi tre.
Không kể các thứ sập gụ, tủ chè, phản lim, cột nhà gỗ lim, gỗ mít, mà chỉ cần nghĩ đến đất và đất nung đã ra khối thứ. Cũng chưa cần nói tới cái thứ đất sét phải kén chọn để làm ra cái bát, cái lọ hoa...như bên Bát Tràng mà mới chỉ kể đến đất thó, đất sét mà thôi.

Đất đã phục vụ con người. từ dưới bếp ra ngoài sân, la liệt các thứ làm bằng đất. Nhưg không phải thứ đất bậy bạ đâu, đất đóng gạch, làm ngói cuzng kén đất thó, không đào lung tung lấy cả đất bùn rác lên đóng gạch như bây giờ. Đất sét luyện cho quánh rồi đặt lên bàn xoay. Chân đạp đòn xoay, hai tay xoa nặn khéo léo cục đất cũng thành các hình thù của đồ dùng.
Đủ kiểu nồi to nhỏ, nồi nấu cơm, nấu canh, kho cá, chõ xôi, ấm sắc thuốc, hãm nước. Ở trong Nam thì tôi thấy cái tĩn (hay TĨNH- tôi không rõ cách viết), cái tộ kho cá. Lại thêm mấy thứ đồ thô: chĩnh đựng gạo, vại ở góc nhà hứng nước mưa. Góc khác thì có cái chum đc đạy nắp đựng tương đã lên mốc, sắp ngả màu là ăn được. Trong xó nhà lỉnh kỉnh cái siêu thuốc, cái vò để hạt giống ngô, đậu, bầu bí. Rồi lại còn cả cái phướng lợn. Các thứ này được nung kỹ, mặt trơn, rắn thì gọi là sành. Ba cái thứ này dễ vỡ, ấy vậy nhưng nồi đã rạn vẫn chưa vứt đi được, rang ngô, rang đậu còn tốt chán.
Không chỉ đồ ăn, thức đựng bếp núc, cả đồ chơi của lũ trẻ con cũng bằng đất phơi nắng. Sắp Tết, ra chợ thấy bày la liệt các con gà màu vàng đỏ lò loẹt, bên kia lại có con lợn tía, có khía ở mông làm cái ống để dành tiền, các ông phỗng mặt phệ cười phơi cả rốn. Có con vịt làm tu huýt còi hoe hoét, hoe hoét đinh cả tai, thổi trong nhà vớ vẩn là ăn roi vào đít chứ chẳng đùa. Bằng đất cả đấy. Chùm khánh và con cá để ngày Tết treo lên cây nêu, đất nung già, màu sành lên nước da chu đỏ tía. Gió lay cành nêu, những cái khánh với con cá va nhau lanh canh, leng keng làm vui cả mấy ngày Tết.


Kể ba thứ đất nặn làm đồ chơi cũng chưa hết chuyện. Ở bên Bình Xuyên, Vĩnh Phúc có làng Hương Canh chuyên nghề gạch ngói, chum chĩnh, tiểu sành bốc mộ. Rồi bên Lập Thạch, đất còn để làm thuốc. Vào mùa Đông, các bà bán thuốc ở chợ Kẻ Rảy, bên thúng những quả cau, mật ong, còn bày một mẹt những miếng đất mỏng màu đỏ bồ hóng bằng đốt ngón tay, gọi là Bánh Ngói. Đất này chỉ có một vùng ở Lập Thạch có, người ta ăn như ăn kẹo.Cái này đã từng được lên truyền hình. Phụ nữ sau sinh, phòng bệnh hậu sản cũng tìm thứ bánh bằng đất này. Trẻ con đi chợ cũng sà vào ăn quà bánh ngói, người ta bảo ăn thứ này vào thì gian, sán trong bụng ra hết. Cái thứ "bánh" là đất nặn cắt lửng miếng đem hun khói hoá lại hay.
Bây giờ, đâu đâu cuzng thấy nhà xi măng cốt sắt, ngói lợp bằng xi măng, chất dẻo, kim loại...thì cũng có một thời đất với người đã từng thân thiết nhường nào.




Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Bẫy chim

âu lâu, rảnh rỗi mang cuốn "phong lưu cũ mới" của soạn giả Vương Hồng Sển ra đọc lại. Đọc về phần chơi chim mà thấy nhớ nhớ về một cái gì đó.
Ở ngoài Bắc, cứ độ mùa xuân là hay có mưa phùn, mưa bụi. Độ tháng 3 là đã thấy từng đàn chim bay về rồi. Đầu tiên có lẽ là chim sâu, và vành khuyên về trước nhất. Bố tôi cũng là một tay chơi, chim, cá và cây cảnh có tiếng trong mấy làng. Ông có lồng chim khướu, cu gáy, vành khuyên, chích choè lửa....nhưng tôi thích nghe tiếng hót của chim vành khuyên nhất. mình nó nhỏ thon, vàng thẫm chen chút lông màu thẫm, nhất là đôi mắt óng ánh trong cái vàng mắt trắng phau.
Sát nhà tôi có thằng Hồng, nó ở nhà ông ngoại nó- nhà ông Nguyên, nhiều hơn ở nhà. Nó đặt cái lồng bẫy chim trong vườn ổi nhà ông nó. Thỉnh thoảng có đàn chim chích, khuyên bay trong vườn. Tôi đang ngồi ở cửa nhà trồn thấy vẫn lẩm bẩm:
- đàn chích này to quá. Chuẩn bị vào rồi. Sập!
Sập bẫy thằng Hồng rồi. Tôi ngó sang thấy bờ ao trong vườn nhà thằng Hồng có 2 cây ổi, cây to, lá rậm. Nó treo cái lồng trên cànb cao vót. Cái lồng vuông, có 2 tầng, có mảnh lưới ở trên mặt. Ở đó đã thấy con chim mồi với 2,3 con chim đã sập bẫy. Mỗi con chim thằng Hồng bán những 2 nghìn đồng ( giá tiền những năm 96, 97). Vậy nên lúc nào nó cũng có tiền ăn chè, ăn thạch, ăn kẹo ở quán bà Dư. Lại còn có tiền bỏ lợn nữa. Mà kể ra cũng hay, không biết ông cố, ông cụ nào ngày xưa trong lúc cao hứng lại sáng chế ra được cái lồng hay như th ế, chẳng cần phải học qua cơ học, mômen vật lý hay hệ thống, hệ thiếc gì cả. Chỉ có miếng chuối cắm trên mẩu dây thép, cắm thêm cái hoa râm bụt đỏ che chỗ them bẫy. Chim chỉ trông thấy cái hoa. Nhảy vào ăn miếng chuối là sập bẫy. Rồi tôi nhớ ra ở gác bếp nhà mình có một chiếc như vậy. Rồi cũng lấy xuống làm y chang như thằng Hồng nó làm. Rồi cũng đem ra cây roi nhà tôi treo ở đó.

Lúc đó, vui sướng nghĩ đến ngày nào cũng bẫy đc một hoặc 2,3 con gì đó. Như vậy là thích lắm. Nhưng ác nỗi là tôi toàn phải đi học cả ngày, trưa thì ăn cơm nhà chú tôi, không về. Vậy là, vị tính mỗi ngày chỉ mở lồng được một lần. Được con chim khuyên đực, bán cũng được bốn, năm nghìn. Cobtiền bán chim rồi thì mua cá, thuê truyện tranh về đọc. Tôi cũng sắp lồng như thằng Hồng, cũng hoa râm bụt đỏ, cái cầu sập đặt mẩu chuối. Ở dưới đặt con chim mồi hót vui tai lắm.
Đi học mà cả ngày cứ thấp thỏm. Tan học là chạy một mạch về nhà thật nhanh. Ngẩng lên, thấy cái lồng bẫy trên cây vẫn y nguyên. Còn thằng Hồng nghe nói nó đc mấy con. Chắc hôm nay nó phải mở cửa bẫy dến mấy lượt, mình so thế nào được với nó. Nó có 2 anh em. Thằng này đi học thì thằng kia ở nhà.
Hôm sau, hôm sau nữa, mấy hôm sau nữa...vẫn thế. thay chuối, thay hoa khác vẫn chả được sập một lần. Có hôm Chủ Nhật ở nhà tha thẩn cả ngày rình mà vẫn ko có gì. Còn lồng thằnh Hồng bật tanh tách. Hay là chim bên nhà nó sập kêu choé lẻn làm chim sợ ko có một mống dám xuống bên mình. Chẳng lẽ cái lồng nhà mình nó phải vía. Không biết "phải vía" là thế nào? Chắc có lẽ nó cũng như những chuyện đen đủi tựa như ra ngõ gặp gái, như tiếngbcon cú nửa đêm, con quạ sáng sớm, con chim lợn lúc chập tối...như bố tôi, chú tôi lúc uống nước vẫn nói.
Rồi có ngày trời mưa to, xong lại nắng cháy, tôi đi học mà thầm sốt ruột. Chim mồi ở nhà không chết vì mưa thì cũng chết vì nắng mất. Tan học, về nhà bối rối hạ cái lồng xuống. Con chim mồi đã chết chỏng gọng từ bao giờ. Cái của bẫy sập, không biết chim lạ đã vào rồi lại lách ra hay mưa làm sập then xuống. Bởi vì không được con chim nào cả.
Từ đó, tôi thôi bẫy chim, mà chỉ bắn bằng súng cao su. Được con nào thì về nướng chấm muối ăn. Vì tôi bắn chim rất khéo, ít khi trượt. Sau này, thi thoảng đi chợ Bưởi vào đúng phiên chợ chim. Đông người đi xem, đi mua. Vẹt đủ thứ màu, con yểng thì liến thoắng: Ai đấy? Ai đấy? Người ta xúm đen, xúm đỏ chọn lồng mi, lồng khướu. Trẻ con thì thích chơi chim ri, sáo mỏ ngà, khuyên. Tôi được mẹ mua cho một đôi ri sừng. Chim này chỉ ăn thóc, dễ nuôi.
Bây giờ, mỗi khi nhìn thấy lồng chim, nghe tiếng chim, vẫn thấy khắc khoải. Tưởng như dễ bẫy, mình sẽ bẫy được, thế mà chưa khi nào bẫy nổi một con.

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Ngẩn ngơ cá vàng.

Chơi cá vàng là thú chơi truyền thống có từ lâu đời ở ta. Ngày trước, ở các nơi như phòng khách, nhà, vườn của các gia đình quyền quý, các nghệ nhân và ngay cả những lóp người bình dân đều có đôi chỗ cho bể nuôi cá vàng. Có những cái bể còn có cả hòn non bộ rải rác và gập ghềnh những chiếc cầu nhỏ, tán cây, tháp Rùa, tháp Báo Thiên, ngôi đình, chùa cổ kính, những ông lã vọng, trẻ chăn trâu thổi sáo, người đốn củi, thầy trò Đường Tam Tạng láy kinh, con hổ, con nai… bằng đất nung vẽ màu. Những con cá vàng với hình dáng khác nhau đến kỳ lạ bơi lội tung tăng. Mỗi con đẹp một vẻ, chúng bơi xuyên qua các đám rong xanh như bơi vào trong mây, rồi lại bơi đi bơi lại qua chiếc cầu độc mộc. Chúng tung ra những tà áo đỏ thắm, đỏ nhạt, đỏ vàng rực, vàng thau… để làm nên một bức tranh với các mảng màu sinh động. Chúng bơi sát vào nhau như vợ chồng, đùa giỡn, âu yếm nhau, vuốt ve nhau thật tình tứ. Có con ra vẻ kiêu hãnh, có con làm dáng e lệ, cũng có con lại bình thản đến kinh ngạc… Cũng có lúc như phong ba nổi dậy, những chú cá đực chọi nhau trước mặt các cô nàng. Nhưng rồi, cũng chính các cô nàng ấy kéo các chú ra khỏi cuộc đấu. Chúng lại đi dạo với nhau vui vẻ và cuồng nhiệt.

Thì ra, không phải là chiến tranh mà chỉ là đùa giỡn, tập võ với nhau vui vẻ và cuồng nhiệt mà thôi. Chúng tung tăng bên nhau cùng đớp thức ăn mà tôi thả xuống, chỉ là nhúm cám gạo, hay mấy con giun đãi được. Tôi cũng thấy có nơi nuôi cá vàng trong chiếc ang cổ, có mấy chữ Tàu loằng ngoằng, hoặc ang thuỷ tinh. Nói chung, những đàn cá vàng đã tạo nên một thế giới thần thoại dưới thuỷ cung, tạo nên những bức hoạ di động, tạo cho tôi sự say mê, hay chí ít nhất cũng là trong những giờ phút thư giãn, nghỉ ngơi, những giây phút suy tư, trầm ngâm sau khi bị bố đánh, bị anh bắt nạt. Ở bể cá vàng của tôi nuôi riêng- nói là bể cho oai nó chỉ là mấy cái thùng nhựa, cái chậu cây cảnh bố tôi chưa dùng tới, tôi nuôi thập cẩm các loậi cá, từ cá bảy màu, cá bình tích, ba đuôi, cá đuôi kiếm... nhưng tôi cưng nhất là mấy anh cá chọi.
Lớn lên, tôi may mắn được đi nhiều nơi mới nhận ra,ở nước ta, đâu đâu cũng có nuôi cá vàng. Nhưng riêng ở Hà Nội, tập trung nhất vào mấy làng Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Quảng Bá, Nghi Tàm, Hoàng Mai, Yên Phụ… Nhất là Yên Phụ, cả làng đều chơi, mua và bán cá vàng. Có thể gọi là quê hương của cá vàng, vì nghề này có từ lâu đời, giờ họ còn xuất, nhập cá đi nước ngoài và nguợc lại. Thấy bảo người ta thu tiền tỈ.
Bây giờ nghĩ lại mới nhận ra: Có thể những bể cá ngày trước là những bài học vỡ lòng về thẩm mỹ, biết cách phối màu sao cho hài hoà, k bị rối mắt. mỗi lần đi học về là lại ra bể cá ngắm cá là việc đầu tiên. Nó như một thế giới thần tiên vậy. Và với một đứa trẻ con, được sống với những j yêu thích đã là một niềm hạnh phúc lớn lao rồi.

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Trung Thu

Lại sắp Trung Thu rồi. Trung Thu bây giờ không biết có giống ngày trước không nữa? Tôi đã lớn rồi, phải "lo toan" hay là sự thật không khí trung thu bây giờ nó công nghiệp, nó bị Tây hoá mất rồi.
Theo như những j tôi biết và theo dõi trong sách vở, các tích xưa từ các cụ cao niên. Thì, Từ rất xa xưa đã có tục lệ, mùa xuân tế mặt trời, mùa thu tế mặt trăng. Tế xong, mọi người cùng thưởng thức bánh dưới trăng. Phong tục này cứ kéo dài. Ngày 15 là ngày giữa tháng tám, cũng là giữa mùa thu. Đó là ngày trăng tròn nhất trong cả năm. Trăng tròn tượng trưng cho hạnh phúc tròn đầy, sự vuông tròn của ước mong. Là sự đoàn viên của các thành viên trong gia đình cũng như họ hàng và cộng đồng. Với trẻ con, được tung tăng chơi và ăn bánh, hoa quả dưới bầu trời có trăng sáng là một điều thú vị và say sưa lắm. Chúng thường nghêu ngao:

"Ánh trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng cuội già
Ôm một mối mơ…"
Với người lớn, người ta nhìn lên mặt trăng sang mát cảm thấy thanh thản như mình trẻ lại. Có khi họ nghĩ đến những kỷ niệm xưa, người xưa: trăng thề nhớ buổi hoa viên; vầng trăng ai xẻ làm đôi, ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương, trông trăng lại nhớ đến người đêm trăng, nhìn trăng đang hát điệu vong tình; Thái Bạch ôm trăng lạnh; thuyền trăng Phạm Lãi luyến Tây Thi… Trăng là đề tài muôn thuở và chứa đựng biết bao nhiêu huyền thoại… Dần dà, người ta không tế trăng nữa mà bày cỗ và chơi dưới trăng. Xung quanh mâm cỗ, chủ yếu là trẻ con rồi đến các thành viên khác trong gia đình và khách. Lũ trẻ con như chúng tôi hơn chục năm về trước đi rước đèn ngoài đường, xóm ngõ, cánh đồng . Chúng tôi tụ tập chừng 10 đến 20 đứa, mỗi đứa mang một chiếc đèn thắp bằng nến. Đèn con thỏ, đèn ông sao, đèn xếp, đèn nổi, đèn lồng, đèn con cóc, mấy thằng lớn hơn một chút đi đầu múa sư tử. Chúng vừa đi vừa hát, có khi đứng vòng lại với nhau rồi múa. Sau khi trước đèn, chúng về nhà phá cỗ. Chúng cùng ăn bánh dẻo, bánh nướng với mọi người và còn được chia thêm các hoa quả như hồng, na, chuối, bưởi, cam, ổi và các loại bánh bằng bột nướng hoặc rán mang hình các con vật thân thuộc như tôm, cá, thỏ, lợn, hươu… Mâm Cỗ được thắp sáng bằng nến, ở giữa có bày tượng một ông tiến sĩ giấy ngồi bảnh choẹ, có cờ có biển. Hình ảnh này tượng trưng cho sự hiếu học, lòng ham mê khoa cử. Bên cạnh còn được bày những con vật nhỏ xíu được nặn bằng bột và quét màu xanh, đỏ, vàng trông rất xinh và ngộ nghĩnh, chính là con Tò He bằng bột nếp. Trong mỗi nhà, thường treo ở gian giữa một chiếc đèn kéo quân tạo nên những hình ảnh hoạt động của các nhân vật trong truyện như: ông già úp cá, Thị Mầu lên chùa, Thạch Sanh đốn củi, Lã Bố hí Điêu Thuyền… Những hình ảnh đó cứ diễu quanh nhiều vòng, in bóng vào mặt giấy của đèn, nhanh hay chậm là do ngọn nến ở giữa cháy to hay cháy nhỏ tạo nên gió chuyển nhiều hay ít. Bọn trẻ còn bận bịu và hồi hộp với những đồ chơi Trung thu như: quả đào úp mở theo bánh xe phía dưới chuyển động, tàu thuỷ chạy dưới nước, con thỏ đánh trống, con gà thổi kèn… bằng, sắt tây mấy hôm trước ngày rằm, một số đám trẻ con khác hiếu động rủ nhau đi trồng đèn và kể vè. Chúng nắm tay nhau, xếp thành vòng tròn có tầng trên và tầng dưới. Những đứa ở tầng trên đứng lên vai những đứa ở tầng dưới. Một đứa tốt giọng kể vè, những đứa khác xen vào câu "Dô ta" để hưởng ứng. Chúng tôi kể nhiều, nhưng chủ yếu là chế nhạo nhau. “Con ngựa bạch đeo cái cương sừng Một cô con gái ôm lưng ông già…" "bên Dị ăn cá bỏ xương, dể cho bên Bến nhặt về kho tương" " Đêm Trung Thu mẹ ru cpn ngủ, con không ngủ mẹ cấu đít con", ..

Vài năm trở lại đâu, ở quê tôi, cứ đến Tết Trung thu, nơi nào cũng náo nhiệt. Nhưng đặc biệt náo nhiệt là ở mấy khu Bãi Gỗ, Nhà Thờ, Cổng Cái, xóm Mới, xóm Bờ Đa. Đặc biệt xóm bãi Gỗ còn rong 2 cái xe cẩu hàng đi dọc làng, trẻ con, người lớn leo cả lên, huy động hết nồi, chảo mà gõ, mà la hét. Vui, náo nhiệt vô cùng.. Cũng có những đoàn múa sư tử, múa rồng của những người lớn thích chơi. Ở trong làng, trẻ con còn chơi trồng hoa trồng nụ, bịt mắt bắt dê, nhảy ngựa, rồng rắn lên mây, hồi đó, đám chúng tôi gồm toàn thằng quỷ sứ, mang súng cao su đi bắn đèn cù của đứa khác, vào vườn nhà người ta hái trộm bưởi, hồng, ổi, khế. Đốt cây rơm nhà người ta… trong những ngày trước và sau rằm tháng tám.
 Tết Trung thu là Tết truyền thống của Việt Nam ta, là Tết của thiếu nhi, nhưng người lớn cũng có phần. Nó gợi nhớ về một tuổi thơ mà chắc chắn là không bao giờ quay trở lại với họ. Họ chỉ ngồi hồi tưởng và tiếc nhớ cái thời đã qua mà thôi.

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Nhớ.

Trời lại mưa. Cái mưa của cuối mùa mưa SaiGon sao mà nó buồn thế? Cũng là mưa như nhau cả, sao mưa ngoài Bắc nó có j đó đáng mong đợi, còn mưa SaiGon thì nó làm cho "mấy thằng xa quê" lại thêm nhớ quê. Nhớ về những tháng ngày xưa cũ của tuổi thơ. Nghịch ngợm, phá phách là những từ để nói về tuổi thơ.
Ở quê tôi, giờ mà có ai hỏi:" Quê mày, mày nhớ nhất cái gì? Ở đâu?". Chắc ko cần suy nghĩ, tôi sẽ trả lời ngay lúc 6,7 tuổi với cái sân Nhà Thờ. Buổi đi học thì ko tính tới làm gì, buổi nào ở nhà, sau khi ăn cơm trưa xong là ù té, ba chân bốn cẳng chạy một mạch lên nhà thờ. Chả thèm ngủ trưa, dẫu biết rằng để đổi một buổi đi chơi như thế tối về thì phải chịu ko biết mấy nhát chổi lông gà, cành ổi. Chả sao cả. Đi chơi cho sướng cái đã, rồi hẵng tính. Bị đánh riết chai đòn rồi. Trẻ con mà, cái j càng cấm càng khoái.
Lên sân nhà thờ là cả một thế giới khác. Trong nhà thờ các bà đang đọc kinh buổi trưa. Trước hết là ra gốc phượng ngồi cái đã. Ra đó đã có khối thằng đang chơi rồi. Những thằng Ánh, thằng Bể, thằng Cóc, thằng Kình, thằng Cục, thằng Chích...đã hội tụ đong đủ rồi. Trời nắng nên núp dưới tán cây phượng mát rượi. Mùa hè nên hoa phượng nở rụng đỏ cả một khoảng sân. Chúng tôi nhặt những bông Phượng chưa nở, xé ra lấy cái nhụychơi trò chọi gà. Chán thì đi ngắt cỏ gà chơi tiếp, bắt dế, tuốt lá phượng tung lên làm tuyết, bôi cánh phượng lên má, đỏ hồng y như mấy bà diễn viên tuồng.
Đó chỉ là bước khởi động thôi. Chán mấy cái trò "hiền lành" là chúng tôi đi nhặt vỏ quả phượng làm súng, làm kiếm, nhặt quả bàng khô làm lựu đạn để chơi trận giả. Riêng tôi ăn gian thì nhặt toàn đá cuội, ai biết đấy là đâu. Một đám alôxô thì đố thằng nào biết. Đánh trận giả là có cãi cọ, khỏi phải nói, lôi nhau ra chửi là thành đánh trận thật. Lôi nhau ra bãi cỏ vật nhau như mấy con chó con. Tóc tai rũ rượi, xong lại chơi với nhau được. Đúng là trẻ con, dễ quên thật.
Khi ở gốc phượng chơi các trò xong là trời dịu nắng, tất cả lại di chuyển lên gốc si ở cuối nhà thờ. Leo trèo, dánh đu rễ si, hái quả chín ăn. Làm trò y như Tôn Ngộ Không. Riêng tôi và anh em thằng Kình đánh lẻ, xuống vườn phía sau hái trộm vải ăn. Ông nó làm ông quản nhà thờ nên nó hiểu giờ giấc xủa ông nó, lối ra vào. Tha hồ chén đẫy vải, ổi, nhót. Bọn ở ngoài ko biết gì cả, vẫn cứ leo cay, vẫn cứ ném lá sấu mà nhai, chấm muối. Có lẽ vụ việc mà 3 thằng chúng tôi làm mà tới bây giờ thi thoảng ngồi nói chuyện với nhau vẫn được đem ra "xào" lại. Cây mít ở góc vườn sát nhà ông Hiếu hay ông Thảo bây giờ thì k rõ nữa. Có quả chín, cũng cỡ 5 hay 6 cân chứ chẳng chơi. Ba thằng liền bàn cách ăn trộm. Hái xuống thì lộ, liền bàn nhau lấy dao khoét 1 lỗ chỉ vừa bàn tay. Vậy là 3 thằng thay phjên nhau thò tay vào lỗ đó, moi ra từng múi mít mà đánh chén. Cái mùi vị mít dai nó chín cây sao mà ngọt, mà bùi thế? Chỉ mấy ngày mà 3 thằng đã xử lý xong quả mít. Mỗi lần ăn xong là đậy miếng vỏ lại như cũ. Sau đó thì số phận quả mít đó ra sao, khuôn mặ khốn khổ của người đã "hái nhầm" quả mít đó thì chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi đã có những nụ cười khoái trá. Có lẽ đám trẻ con thời nay ko còn nghịch như chúng tôi thời trứpwc nữa.
Kể về mấy vụ đó nhưng thật là "có tội" nếu không kể về cái ao trước cửa nhà thờ. Buổi chiều mùa hè thì ôi thôi. Nhìn xuống ao chỉ thấy đầu là đầu. Trẻ con từ khắp các xóm đổ về để bơi, để tắm. Tiếng cười nói vui vẻ, tiếng cãi nhau chí choé, tiếng chửi nhau, tiếng khóc của những thằng bị mấy thằng biết bơi lôi ra giữa ao hù dọa. Xóm tôi thì thằng nào cũng biết bơi. Nhưng bơi, lặn giỏi nhất phải kể đến anh em nhà Thông Bu, Thuận Ác. Mỗi lần chơi trò đuổi bắt dưới nước là anh em nhà nó đều làm bá chủ. Bơi lặn nhanh kinh khủng, muốn bắt thằng nào thì dễ ợt. Rồi còn trò chơi ném bùn nữa. Chia nhóm rồi lặn xuống móc bùn ném nhau. Vụ đáo để. Bùn vào mắt, vào tai ko biết bao nhiêu lần mà vẫn không chừa. Vẫn cứ ham, ném nhau thật lực. Rồi khi về nhà còn bị ăn roi vì tội dám trốn ngủ trưa, lại còn đi tắm ao. Chạch, lươn ở mông nhiều không biết đâu mà kể. Nhưng kệ, vui đã, đánh sau cuzbg được, đằng nào cũng chả bị đánh, bị ôm cột, bị nằm dài ra nền nhà.
Thỉnh thoảng thằng Đô hay thằng Thuận đi chăn trâu, chăn bò về, thả luôn cả bò xuống ao. Cả lũ khoái chí nhảy lên cưỡi lưng bò. Lạ thật, ngày đó hình như chúng tôi không có khái niệm BẨN tồn tại thì phải. Cứ vô tư chơi đùa.
Giờ cứ mỗi lần đi bơi các bể bơi ở SaiGon, nhìn các cậu bé, cô bé răng sún, mắt đeo cặp kính dầy cộm, cũng mải mê chơi đùa, vung té nước vào nhau. Tôi lại thấy vui, thấy nhớ về tuổi thơ. Ít nhiều cũng có hình ảnh của mình mười mấy, hai mươi năm về trước. Nhưng cũng thấy rằng các cô bé, cậu bé này không thể nghịch bằng chúng tôi ngày trước được. Tôi dám cá điều đó.