Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Làng quê




Chiều hôm nay, có đứa cháu đi học về hỏi: Chú ơi! Mùa Xuân là mùa nào hả chú? Có phải sắp Tết rồi không?”. Sau một hồi giảng giải cho đứa cháu hiểu thì cũng chợt nhận ra con nít thì chẳng bao giờ, mà cũng chẳng biết để ý thế nào là bốn mùa xuân hạ thu đông. Cũng như chính tôi hồi nhỏ cũng vậy.  Có biết mở xem ngày tháng trong lịch bao giờ đâu. Bỗng dưng thấy lá mít trên cây đỏ ối từng chiếc trong chòm lá xanh, thấy quả gấc chin đỏ trên giàn, cũng chẳng biết thế là tháng mấy, mùa nào? Lắm hôm trời trở lạnh, mới chập tối sương đã xuống, gió heo may thổi, vậy mà vẫn áo mũ phong phanh, thậm chí còn cởi trần trùng trục nhảy xuống ao nhà thờ lặn ngụp như trưa nắng mùa hè. Bà, mẹ hò hét mãi mới chịu lên, bắt mặc áo len, áo gió ngay, “chả có thì phải cảm, như mấy cái thằng dở hơi, lại chóng về Thiên đàng nhà mày à?”
Thực ra đến bây giờ tôi mới thấy nhớ ang áng bốn mùa khi đó dựa theo các thứ quanh mình thay đổi. Cứ đi chăn bò ngoài đồng, cánh đồng như cái sân chơi vậy, thảnh thơi, rộng rãi, tha hồ đá bóng, đuổi nhau, vật nhau…lại còn có mùa nào thức nấy. Lúc vụ chiêm làm xong, cỡ chừng tháng 10, gặt hái đoạn là người ta gieo đậu tương, lúc thấy lá úa vàng hết là biết đậu sắp chin. Sắp có đậu tương luộc ăn rồi,. Lúc nhổ đậu về rồi phơi nắng, nhà nào cũng cầm cái đòn gánh đập để tách hạt đậu ra khỏi quả. Đậu tương mà rang lên ăn vừa bùi, vừa béo.
Rồi khi thu hoajch đậu xong, các ruộng này lại lên luống để làm mầu. Ấy là những ruộng khoai lang, ruộng cà bát hay vừng. Thoáng một cái tháng sau đã được rỡ khoai. Thú nhất lúc này của đám trẻ con chăn bò là đi mót những củ khoai còn sót lại, củ dài ngoẵng. Về mà bỏ vào cái túi nilon, buộc chặt lại rồi thả vào nồi cám. Canh làm sao cho đến khi quấy cám rồi bắc nồi ra thì lấy ra. Ăn củ khoai không bị mất nước, cảm giác còn sượng, cắn sựt sựt có khi còn ngon hơn khoai nướng. Lúc này lại tưởng như cái thứ khoai sượng là ngon nhất trong các thứ khoai trên đời. Nhưng chỉ có cái thứ khoai sắp vứt đi người ta bỏ lại trên ruộng mới ngon như thế(Cái này là “kinh nghiệm” của riêng tôi. Ai đồng ý hay phản bác là tuỳ. Tôi không ép.). Khi cánh đồng gặt loắng ngoắng xong thì lại vào vụ lúa mùa. Trên đồng nhấp nhô người nhổ mạ, người cấy, các tay gậu (gầu) dai, gậu song tát nước một mình và tay đôi, gậu đổ nước ỳ oạp đến tối khuya. Lúc đó thì bọn trẻ con chúng tôi đã nhắm mắt từ lâu rồi. Đùa cả ngày, tối ngủ say tít, thỉnh thoảng lại trở mình, nghiến răng, ú ớ nói mê, ban ngày nói gì, chơi gì là “khai” hết ra vào lúc này đây.  Ngày mùa thì ngoài đồng đông vui, lúa mới cấy thì vàng ệch, được vài hôm cứng cây, bám rễ thì lên xanh eo éo. Thú thật là với tôi quang cảnh này chỉ lạ mắt thôi, chứ làm sao mà thích bằng lúc xách túi đi vồ châu chấu, cào cào. ở bờ ruộng mọc đầy cỏ, châu chấu bay loạn xị ngậu. Bắt đc con châu chấu thì ngắt đầu, vặt chân cánh, đem về rang với muối. “Châu chấu rang ngon hơn thịt gà công nghiệp”-bọn trẻ con chúng tôi kháo nhau thế, nào có biết phân biệt gà ta, gà công nghiệp. Khi đó nói đến thịt gà công nghiệp thì thấy oai lắm! Lớn lên rồi thì biết được “cái khổ” của ăn thịt gà công nghiệp.
Sau đó thì lại đến các trận mưa rào đầu mùa. Giữa mưa to mà chạy ra các cống ao bắt cá rô ngược. Ngạnh cá đâm thủng cả tay, chảy máu nhưng vẫn ham lắm. Cá rô về nấu canh rau ngót, thiên lý thì tốn cơm lắm! Sau đó thì lại đến những ngày nắng to, vào mùa hè rồi thì ngày nào cũng nắng. Giữa trưa nắng như đổ lửa, cả một đám chúng tôi đầu trần đi bắt cua. Tháng sau, nước ở ruộng nóng như đun, cua không chịu đc nước nóng, cua bò lên rúc vào các đám cỏ người ta vơ cỏ lúa mới vứt ra mép ruộng, chỉ việc nhấc đám cỏ là có cua, chỉ việc bỏ vào giỏ. Đi một hồi là có lưng giỏ cua bò lạo xạo. Thằng nào cũng nhễ nhại mồ hôi. Về nhà kiểu gì cũng bị mắng: “Mày đi dãi nắng thế, sắp đen như cua và tóc đỏ như lông bò rồi đấy!”. Mắng thì cứ mắng. Chiều hôm ấy kiểu gì cũng có nồi canh cua nấu rau đay, mùng tơi hay rau muống , húp ngọt lừ. Không phải nước rau muống luộc sấu nữa.
Sau đấy nữa là lại vào mùa  nhãn. Trên nhà thờ, ngoài chùa, nhãn đã mọc chi chit rồi. Ấy vậy mà đã có người tới đặt tiền mua cả cây nhãn rồi. Họ chỉ sợ trẻ con tới vặt trộm hay dơi ăn mất. Ngày trước, bọn tôi còn được ông Ba Vạn cho trèo lên cây nhặt bọ xít. Kể ra cái giống bọ xít cũng độc, chùm nhãn đang mơn mởn, nó “đái” vào là chùm nhãn xám ngoét, rồi mốc trắng và rụng. Con bọ xít dán vào cái lá nhãn bằng miếng kẹo cao su hay nhựa đường làm xe đua với nhau, chơi chán là đem nướng ăn. Rồi chúng tôi chỉ ước là khi nào người ta thu nhãn rồi thì được trèo lên để mót nhãn. Dù các ông lái nhãn có hái trụi thụi lụi thế nào thì kiểu gì khi xét lại cũng rớ được vài quả trên ngọn. Thứ nhãn xót ấy, dù chỉ hai ba quả thôi, chả phải nhãn lồng hay nhãn gì cả, chỉ là nhãn mót thôi mà sao cảm giác ăn vào thấy nó ngọt nhất trần đời. Chắc nó ngọt vì cái “công phu” trèo cả buổi mới có được. Không như lúc hái trộm hay mẹ mua ngoài chợ về cho ăn. Khi vào vụ gặt lúa mùa, lúc gặt còn lưa thưa vài khoảnh ruộng chưa gặt, nước xâm xấp, trong ấy kiểu gì cũng có những con ếch, con chẫu. Éch hay chẫu hay nhái thì đều thích vồ hoa. Vặt cái hoa râm bụt đỏ hay cái hoa mướp vàng, móc vào cái lưỡi câu cá rô, quăng vào ruộng, thấy động hay nặng tay thì kéo ra từ từ. Kiểu gì cũng thấy thằng ếch mắt lồi đang ngậm cái hoa, giựt nhẹ một cái là lưỡi câu móc vào mõm, tham ăn thì có mà chạy đàng trời. Cánh đồng gặt hết rồi thì chỉ trơ lại những đống rạ, rạ này thì chả được tích sự gì, thả vào chuồng lợn cho lợn dẫm thì chỉ tổ nhanh đầy hố phân, mà đun bếp thì nồi cơm, canh chỉ tổ ai khói. Người ta cắt xong thì chất lại thành từng đống. Bọn trẻ con chúng tôi đi chăn bò mà gặp hôm trời rét, đốt lên sưởi. Rồi chịu khó đi đánh động các đống rạ kiểu gì cũng có chuột ẩn trong đống rạ chạy ra. Thế là đống rạ thành ra chỗ hun chuột, thui chuột. Bắt chuột đem thui, có khác gì đám cưới người ta mổ lợn đâu, bu đông còn hơn cả đám trẻ con xúm lại xin cái bóng đái con lợn để đá bóng.
Đấy là chuyện của ngày trước, giờ chỗ ấy lại lạ lung hết chỗ nói. Bây giờ chỉ thấy nhà và xưởng gỗ mà thôi. Nếu nói với các cô, cậu bé khoảng 12, 13 tuổi rằng trước chỗ này là cánh đồng, chắc cô cậu nào cũng há hốc mồm cho mà xem. Nhưng nếu ai có chịu khó để ý đôi chút thì cũng chẳng có gì là ngạc nhiên. Bới vì sau các xưởng gỗ, nhà hàng cũng có chỗ còn xen một khoảnh ruộng nhỏ thả rau muống hay trồng dọc khoai. Ngay như bên Canh Nậu, làm khu công nghiệp to bự chảng mà vẫn có nahf xưởng xen lẫn cánh đồng. có những thửa ruộng sắp đắp nền nhà, người ta xây gạch, cắm cọc tre đánh dấu phân chia đâu sẽ là nhà, đâu còn là ruộng. Ruộng bé con con vẫn cấy, vẫn trồng rau như chẳng có gì xung quanh. Ai làm cứ làm, tôi cấy thì tôi vẫn cấy, chẳng ảnh hưởng nồi cám nhà ai hết.  Làng quê trước giwof vẫn cứ tần tảo thế.

CHỢ LỚN, 9 / 1 / 2015

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Đọc sách



Hôm nay, nhân lúc rảnh rỗi. Ngồi lôi mớ sách ra để sắp xếp lại vì đi nhiều quá không có thời gian sắp xếp. Cũng chợt nhận ra sách đang đọc cũng ở lám thể loại. Nhưng 3 "tay viết" mà tôi yêu thích nhất là: Vương Hồng Sển, Tô Hoài và Nguyễn Hiến Lê. 



Nhưng, nói ra lại sợ xấu hổ với "bàn dân thiên hạ", thể loại tôi yêu thích nhất, có lẽ là những cuốn sách đầu tiên - trừ sách giáo khoa đi học dùng trong nhà trường, là TRUYỆN TRANH. Đến bây giờ, 24 tuổi rồi mà vẫn còn ham đọc truyện tranh. Đi làm vẫn tranh thủ lúc nghỉ giữa giờ bật máy tính lên mạng đọc. Có lẽ ưu điểm nhất của loại truyện này là có thể lên mạng đọc mà không tốn tiền. Đọc mọi nơi mọi lúc, cũng có thể gọi nó là một dạng E-Books, sách điện tử (Electrical Books).
Khi còn là sinh viên hay mới đi làm. Tôi cũng hay đọc thể loại sách "Học làm người" của 3 tên tuổi: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần và Hoàng Xuân Việt. Nhưng sau này thì tôi "tự" nghĩ ra: Cái này với mình chỉ đọc cho biết, còn là người hay là ma thì cứ sống tới 40 tuổi sẽ biết tuốt." chẳng biết nghĩ vậy là tốt hay bậy nữa?? Và mấy cuốn sách đó tôi đã cho bạn bè gần hết. Còn giữ lại đúng 3 cuốn: Đắc Nhân Tấm, Im lặng cũng là hùng biện, Quảng gánh lo đi và vui sống. 
Bây giờ, khi đã đi làm, đi đây đi đó dọc cái dải đất hình chữ S thì lại thích các thể loại sách: Biên khảo, lịch sử, địa chí hay văn hoá. Đọc rồi hiểu ra tại sao vùng đó lại có cái tên như vậy?? Vì sao ở đó có tục lệ như thế? Giọng nói có đặc trưng cho vùng hay không??? Đủ các thứ câu hỏi hiện ra trong đầu. Đến lúc này thì phải viện tới TỪ ĐIỂN làm phao cứu sinh,
Hoặc những khi căng thẳng đầu óc vì công việc thì tôi lại mang ra những cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh- chuyên viết truyện cho lứa tuổi học trò. Có lẽ trước kia tác giả cũng “phá làng phá xóm” như tôi chăng? Sao mà có nhiều chi tiết tác giả viết trong truyện giống hệt như tôi và đám bạn ngày trước nghịch ngợm, cứ như là tôi đang xem lại chính tuổi thơ của tôi vậy.
Nói đến truyện thì không thể không kể đến “truyện Tàu” được. Những Tây Du ký, Tam Quốc chí, Bao Thanh Thiên truyện, Thuỷ Hử, Hồng Lâu Mộng, Liêu Trai chí dị, truyện Thuyết Đường, Tái Sinh Duyên và Hậu Tái sinh duyên. Có lẽ giwof chỉ có truyện Thuyết Đường là tôi vẫn thi thoảng mang ra đọc lại. Còn mấy truyện trên giờ có phim truyền hình rồi. Lên mạng vô Gu-Gồ “sợt” một cái là ra. Coi cả ngày, sinh động hơn đọc truyện. Nói về cái sinh động tôi lại nhớ một chuyện cũ: Ngày trước, khi tôi đi học, chỉ giỏi nghịch ngợm và phá phách. Học bài về tính diện tích hình thang, cái bài chỉ có 4 câu thơ lục bát mà học cả buổi sáng không thuộc. Bị bố tôi cho ăn mấy se điếu vào mông, lươn chạch nổi lên đau thấu xương. Vậy mà ra ngoài ngõ ngồi nói chuyện phim Tây Du ký, Triển Chiêu trong phim Bao Thanh Thiên. Tôi không kể sót chi tiết nào cả. Có chăng là chỉ bỏ sót Tôn Ngộ Không có bao nhieu cái lông trên mặt mà thôi! Đường Tam Tạng gặp bao nhiêu kiếp nạn? Triển Chiêu kết hơp với ông Rùa Thần đánh với đạo sỹ của Thạch Quốc Trụ hay đám người giấy ra sao? Tôi nhớ lắm! Rồi thì bố tôi nghe thấy, lôi vào nhà, lần này thì không đánh mà chỉ nói một câu- có lẽ bây giờ ngồi gõ lạch cạch cái bàn phím mới thấy thương bố mẹ: Giá mà mày học ở lớp nó nhanh và nhớ lâu như phim chưởng thì phúc bảy mươi đời nhà mày!

Rồi thì những cuốn sách của các tác giả “vang bóng một thời” cũng là sách tôi hay đọc. lại có các cuốn sách mà tôi chẳng biết xếp nó vào thể loại nào? Chỉ biết đặt cho cái tên” Hổ lốn, xà bần, hầm bà lằng”, tuy gọi vậy thôi nhưng nó vẫn là sách đáng đọc, đáng để bỏ tiền ra mua. 

Sách về lịch sử, văn hoá


Sách kinh điển của văn học Việt Nam và thế giới.




Từ điển và sách "hầm bà lằng"