Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Viết nhanh

Đang ngồi nghĩ vẩn vơ, ông anh làm cùng rủ đi nhậu. Vậy là hai anh em ngồi nhậu với nhau. Anh kể hôm nay đã giải quyết dứt điểm chuyện vợ chồng anh ly hôn. Không cần phải nói, chuyện buồn nên anh nói nhiều. Đủ thứ cảm xúc chen nhau. Anh nói ra nhiều lý do. Trong đó, tôi thấy có một lý do mà nghe có vẻ vô lý nhưng suy rộng ra có thể nó là "căn nguyên" của mọi thứ về sau. Đó là chuyện "nó nấu ăn dở lắm mày".
Hơn ai hết, tôi hiểu được cảm giác từ đang có một gia đình êm ấm, xảy ra chuyện và đi tới tan vỡ. Vì tôi đã sống chung với cảm giác này đã 19 năm. Mà thôi, không nói chuyện này nữa. Tôi đang muốn tìm cái lý do "nó nấu ăn dở lắm" để xem nó ra sao mà tôi dám phán "vô lý nhưng có thể nó là căn nguyên của những chuyện về sau".
Khi đọc tới chỗ này, chắc sẽ có người cười: Ối giời, chuyện trẻ con! Yêu nhau để cưới vợ chứ có tuyển đầu bếp đâu mà bếp núc.
    Nhưng tôi trộm nghĩ không phải đâu. Tôi vẫn thấy chuyện nấu nướng khá là quan trọng trong đời sống vợ chồng. Tất nhiên chuyện nội trợ chẳng đóng vai trò gì đáng kể trong quá trình yêu nhau giữa một chàng trai và một cô gái. Từ trước đến nay, có hàng ngàn cuốn tiểu thuyết Đông Tây kim cổ viết về đề tài tình yêu, nhưng chẳng có cuốn nào đề cập đến một mối tình trong đó chàng yêu nàng vì tài làm bếp hoặc chàng bỏ rơi nàng vì món mì gói nàng nấu quá mặn cả. Romeo của ông Shakespear ở tận bên Anh đã bất chấp sự hiềm khích giữa hai dòng họ để đeo đuổi Juliet đó thôi, chắc chắn không phải vì món ăn nào đó của cô ta. Điều đó chẳng có gì sai, vì các nhà văn viết chuyện ái tình chứ đâu có viết chuyện hôn nhân. Do đó tôi vẫn tin rằng mối tình Romeo và Juliet sở dĩ trở nên tuyệt đẹp bởi cả hai đã chết trước khi họ kịp lấy nhau và nàng Juliet chưa có dịp nấu ăn cho Romeo. Ai đó thử ngẫm mà xem: Có phải trên thực tế, cho đến khi rước được người đẹp về nhà các chàng trai gần như không có lấy mảy may cơ hội để đánh giá tài bếp núc của người bạn đời tương lai?
    Chỗ này tôi nói rõ để tránh gây hiểu lầm: Đó là do các chàng trai không quan tâm đến chứ không phải các cô gái cố tình giấu giếm. Đang tắm mình trong bầu không khí lãng mạn của những ngày tháng yêu đương thì cái ăn rõ ràng chỉ là chuyện thứ yếu, thậm chí còn bị xếp vào phạm trù phàm tục. Yêu dứt khoát phải thơ mộng hơn ăn, như trái tim nhất định phải cao quí hơn dạ dày. Roméo thời xưa chắc từng nghĩ thế và Romeo thời nay cũng không nghĩ khác.
    Rồi hãy ngẫm tiếp: Có phải khi yêu nhau chàng vẫn thích dẫn nàng đi ăn ở ngoài? Nhiều tiền thì vào nhà hàng sang trọng hoặc khu ăn uống ở các plaza, ít tiền thì vào các quán ăn bình dân, ít tiền hơn cả ít tiền thì ra ngoài lề đường ngồi lai rai nghêu sò ốc hến. Còn hôm nào rỗng túi thì chàng quyết nằm bẹp ở nhà, với lý do hết sức cao cả “Hôm nay anh bận việc cơ quan”. Chẳng chàng trai nào nghĩ đến chuyện rủ người đẹp về nhà bắt nàng nấu cho mình ăn. Như có lần một anh bạn tôi dẫn người yêu ra mắt bạn bè, có thằng hỏi: Rứa hắn có biết làm mồi nhậu không mi? Thằng bạn tự đắc vênh mặt lên: Anh là người đàng hoàng, yêu nhau bằng thị giác, thính giác, khứu giác và xúc giác, chỉ có bọn phàm phu tục tử như các chú mới yêu nhau bằng vị giác!
    Bạn tôi nghĩ đúng quá, và chẳng chàng trai nào buồn khảo sát tài nấu nướng của kẻ sắp phụ trách khâu ẩm thực cho suốt quãng đời còn lại của mình. Mãi đến khi tấm lưới hôn nhân đã giăng ra, người đàn ông khốn khổ đó mới phát hiện lãnh vực mà chàng chẳng mấy chú ý khi yêu nhau lại là lãnh vực mà chàng phải chạm trán hàng ngày khi lấy nhau.
    Khoa nấu nướng vốn xa lạ với đời sống tình yêu nhưng lại trở nên mật thiết với đời sống vợ chồng. Tài nội trợ của nàng chưa bao giờ được đếm xỉa đến trong những tiêu chuẩn kết bạn của chàng bỗng nhiên nổi lên như một yếu tố hàng đầu trong việc góp phần vào việc củng cố hay làm tan nát gia đình. Vào một ngày có lẽ là không xa lắm, chàng đau khổ nhận ra chàng phải đối diện với cái bàn ăn trong nhà mỗi ngày tới những ba lần. Nàng có biết nấu mì gói hay không, cái chuyện vặt đó bây giờ bỗng trở thành thiết thân, thường trực và đáng đem ra chì chiết nhau hơn bao giờ hết.
Nhưng nói đi phải nói lại, những gì tôi luyên thuyên ở trên nãy giờ về mối quan hệ giữa nấu nướng và hạnh phúc, giữa phòng ăn và phòng ngủ thực ra chẳng có gì nghiêm trọng hết. Bởi một lý do hết sức đơn giản: nấu nướng là thứ DUY NHẤT hoàn toàn có thể học hỏi và tự hoàn thiện mỗi ngày - dĩ nhiên với điều kiện người vợ quyết tâm hoàn thiện để giữ không cho chồng mình sa vào cái bếp của một người đàn bà khác. Chính cô bạn của tôi cũng vậy. Khi còn là sinh viên, thi thoảng tôi xuống chỗ bạn chơi. Bạn toàn ngồi máy tính chờ bạn của bạn nấu xong thì "xực". Có lẽ với bạn ấy việc ốp la một quả trứng còn khó hơn cả việc con người đi lên sao Hoả. Giờ bạn ấy đã lấy chồng, và khả năng nấu ăn đã được cải thiện đáng kể. Biết nấu nhiều món cầu kỳ lắm rồi. Vì trước khi cưới bạn đã tham gia một khoá học nấu ăn cơ bản.
Tóm laij, qua chuyện của ông anh đồng nghiệp với tôi là chuyện buồn. Nhưng vì câu nói của anh mà tôi nghĩ uý lạo thêm được chút. Chắc anh có biết cũng không giận tôi. Có ai có ý kiến nào khác về chuyện này xin góp ý thêm. Vì chính bản thân tôi, một kẻ chưa vợ mà dám đi "phân tách, mổ xẻ" chuyện Hôn nhân - Gia đình như "đúng rồi". Rất mong lượng thứ. Chỉ là viết chơi mà thôi.

2 nhận xét:

  1. Vào thăm blog của bạn vì thấy bạn còm nhiều bên trang bác Ngọc Hiệp. Tôi vẫn nghĩ rằng sẽ là một ông chồng bất hạnh nếu có người vợ không biết nấu ăn/ nấu ăn không ngon. Khi thời kỳ yêu đương quấn quýt đã qua người ta lại nghĩ và hướng đến nhiều thứ khác, đó là tâm lý thường tình. Vài dòng làm quen. HN

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác. Chẳng biết xưng hô với bác sao cho phải. Hì hì. Đành xưng em vậy. Có gì sẽ chỉnh sửa sau. E cũng thấy như bác nói nên mới có bài viết này. Thực ra e chưa lập gia đình nên nhìn ở khía cạnh thực tế nhất. Trong gia đình, bữa cơm là một phần quan trọng, bữa ăn thoải mái thì mọi thứ khác sẽ được kéo theo. Chẳng vậy mà nhà văn Vũ Bằng có 3 "tuyệt tác văn chương" về ẩm thực và luôn luôn nhớ về người vợ quá vãng của ông. Cám ơn bác HN đã qua chơi. Hihi. Rất vui đc làm quen với bác.

    Trả lờiXóa