Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Tản mạn về Chuột

Ở entry “Bắt Chuột” tôi đang nói về con Chuột.  Lan man quá lại nghĩ ra mấy thứ để “tản mạn” về con chuột và người cũng có chút lien quan, xin kể vui ra đây.
Nếu kể ra thì chuột cũng như người, hay bị mang tiếng. Nhưng người thì lắm kẻ xấu tính, xấu nết vẫn vênh váo cãi sống cãi chết ta đây chỉ mang tiếng thôi. Còn con chuột thì dẫu mang tính cũng đành phải âm thầm, cam chịu.



Giải  thích theo môn Sinh vật học thì con chuột vốn là một họ, có nhiều chi. Hình thể và bộ dạng cũng khác nhau. To béo và lực lưỡng nhất là anh Chuột Cống. cũng là do người ta tuỳ tiện đặt tên thôi, vì chuột cống hay kiếm ăn ở cống rãnh trong làng, thành phố. Cũng thằng Chuột Cống ấy, vậy mà đến mùa gặt ra ở đồng có nhiều thức ăn lại được vùng Kẻ Núc quê tôi đặt cho cái tên rõ là béo tốt: con “Tí ù”. Người ta ghê con chuột ở bẩn, nhwung khi con chuột cống ra đồng và được “thăng chức” Tí ù thì ai cũng khen thịt Tí ù “thơm ngon, không tanh như chuột cống” ????!!!!!! Dẫu chuột đồng hay chuột nhà thì cũng một nó cả mà thôi. Mùa lúa, chuột trong làng kéo ra đồng làm ổ trong đống gốc rạ, trong hang trên gò rồi ngày ngày xuống ruộng nhặt thóc. Lại sinh con đẻ cái ngoài đồng cho đến sang tháng giêng cánh đồng trơ trọi không còn thóc rụng, vợ chồng con cái nhà chuột lại dắt díu nhau vào ở trong làng…..
Những con cầy, con cáo hay lung bắt gà. Vì cầy, cáo cũng giống chuột cống, thành thử chuột cống bị tiếng oan, chứ cầy cáo có họ hàng, “dây mơ rễ má” gì với chuột đâu chứu. song quả tình thì những lúc đói kém, cũng đôi khi chuột cống mon men quanh chuồng gà rình quắp cổ gà. Đói ăn vụng, túng làm càn, thì đến con người cũng thế. Còn, cái bọn chuột nhỡ nhỡ, mà cái tên chỉ hủn hoẳn là “Chuột”, ở đâu thì chuột cũng nhỡ nhỡ thế. Trên thế giới này thì ‘dân sô” chuột có lẽ còn đông hơn cả người là cái chắc. chuột nhỡ này thì cả đời tầm vóc cũng chỉ có vậy mà thôi, không thể rồi sẽ to ra như chuột cống và cũng không phải con chuột nhắt lớn lên rồi sẽ bằng thế. Chuột nhắt, chuột chù cùng là hai họ chuột, nhwung chuột chù họ xa. Chuột nhắt leo trèo quanh chạn bát, rúc ráy trong bồ thóc. Khi hiếm cái ăn thì cũng gặm giày vải, bít tất, những thứ quần áo ẩm xì quên giặt- nói vậy thôi, chứ răng loài chuột nó dài ra lien tục, nó cắn các thứ không phải vì đói, mà để mài răng, tôi học trên ghế nhà trường 16 năm nên có thể giải thích cái này một cách hợp lý nhất. còn chuột chù thì nhỏ bé như chuột nhắt, ngườ ta khinh khỉnh, chế giễu: hôi như chuột chù… chuột chù chậm rề rề và hôi hám thì đứng đầu bảng. không biết vì chuột chù hay đái són, vãi đái hay bởi chuột chù rúc ráy trong xó ẩm ướt cho nên quanh năm hắn ta cứ lướt thướt lôi thôi như vừa lôi dưới ao lên. Có lần tôi đọc sách về loài chuột thì giờ lại nhớ về cái “lý lịch” rắc rối của anh chuột chù này. Có ông kỹ sư nông nghiệp bên Pháp bảo chuột chù giống chuột, nhưng không phải là chuột, không có tí họ hàng gần xa nào với chuột cả. tên của nó là con Taupe. Ông ấy viện nguồn của cuốn từ điển Larousse xuất bản năm 1957, con Taupe: loài có vú ăn sâu bọ. và không nói gì đến chuột. rồi lại thêm cái quyển từ điển Pháp – Việt 1981, Taupe: Chuột chũi. Quả tình tôi không biết chuột chũi là cái giống chuột gì! Vậy thì đành bỏ qua cái dây mơ rễ má thằng chuột chù chỗ này, không dám huyên thuyên láo. (Hy vọng, đọc bài này có bác Phạm Ngọc Hiệp, bác là người có rất nhiều từ điển, từ sinh vật học, cơ khí, truyện Kiều, Thần học Kito giáo, tiếng Hán, Pháp, Việt bỏ chút thời gian tra giùm con. Con cám ơn bác lắm lắm).
Còn nhà Chuột Bạch thì không biết gốc gác nhà nó từ đâu ra? Chuột bạch nhỏ con, trắng bong, đẹp mã nhưng cả họ chuột đều chê chuột bạch hèn, lười ỉ lại. người ta mua chuột bạch ở chợ về, thả vào lồng, vãi lúa, gạo vào cóng cho nó ăn dần dà. Thân phận chim lồng cá chậu nuôi để người ta làm cảnh như chơi cây, chơi hoa. Rồi thì các nhà khoa học bảo chuột đem bệnh dịch hạch làm lây cho người. chuột mắc dịch hạch từ bảo từ bao giờ? Có phải thế hay không nữa?
Kể về sinh vật học đủ rồi. bây giờ luận qua về những tai tiếng và gian truân mà giống chuột phải chịu đựng. Ôi! Sao mà kể xiết đây? Đau nhất là chuột bị săn bắt đem đi làm thịt. con mèo thì chuyên đi bẳ ăn chuột. đến con người cũng khoái xực thịt chuột mới ghê. Người ta làm các món luộc, xào, rán thịt chuột, cứ cho là ngon miễn chê đi. ở quê tôi đây, cứ chiều đến sang chợ Canh là lại thấy người ta bày bán từng xâu chuột đã bẻ răng, mâm chuột thui sẵn vàng rộm. thèm ăn chuột chế biến sẵn thì cứ  nhà Nguyên Bút, Hoa Thanh ở xóm Ao Thuyền mà thẳng tiến, xin mời. khi còn ở quê, khi mùa gặt xong là chúng tôi cũng lập nhóm ra đồng bắt chuột. thịt chuột mà rán lên thì ngon, thơm như thịt chim sâu, chim ngói, đánh chén tốt. Khuất mắt trông coi, ai biết đấy là đâu, chuột đồng hay chuột nhà mà người ta bảo chỉ chuột đồng ăn thóc mới sạch. Chuột bị đánh thuốc, bị bẫy. người ta diệt chuột. cả làng xã tổ chức đợt đánh bả, chuột hết chỗ lẩn, chết lăn khắp nơi. Ngoài đường lúc nào cũng nheo nhéo tiếng rao và đọc cả thơ bán thuốc chuột: “ Bả chuột! Bả chuột đây! Chuột Tây cũng chết, chuột Maroc cũng đi đời!”. bả chuột của anh Tàu sản xuất còn vật chết cả bò đấy. Chuyện lạ mà thật, cái thứ bả ngửi năm nào chả làm chết cả con bò nhà Ba Tói ở xóm Xép xui xẻo ngửi phải, đã cũ đâu. Cái lồng chuột bằng dây thép để bẫy sống chuột. nhưng gặp phải những cụ chuột già thính mũi và từng trải đường đời đánh hơi biết con chuột hôm trước bị mắc bẫy, lảng xa. Thằng người còn khôn hơn, đem ngâm nước lồng bẫy cho hết hơi chuột. rồi lão chuột khôn lỏi kia cũng có lần sập bẫy. 
Bao nhiêu cái xấu thì gán cho chuột, kể cả lời ăn tiếng nói. Nhữn câu rủa: đồ chuột bọ, đồ chuột ngày, đồ chuột chết, cháy nhà ra mặt chuột. đàn ông mà ông nào xấu tướng, mặt choắt, chòm râu lưa thưa vài sợi liền bị chế là người mặt chuột, có bộ râu chuột. họp hành linh tinh, bàn bạc hão kiểu trẻ con gọi là hội đồng chuột. anh con trai nào quắp được cô ả nhà giàu, thiên hạ bĩu môi: chuột sa chĩnh gạo- việc chả bận gì đến chuột. cái giấc mơ mang tên con chuột cũng vào lúc đất trời mù mịt nử đêm, giờ Tý canh ba. Thật vu vơ và bậy bạ hơn là người ta đang bơi trên song hồ, bỗng bắp chân tê dại, cứng đơ, chết chìm cũng gọi là bị Chuột rút. Người ta đặt vè khích bác lão mèo cũng mượn lời đổ cho chuột thâm hiểm: Con mèo mày trèo cây cau. Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà? ( hỏi thăm đâu! Mèo tìm bắt chuột đấy chứ). Chú chuột đi ch đường xa. Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.  Tết đến, ngoài chợ bán tranh “Đám cưới chuột”. Được, hay đấy. Cậu tiến sĩ chuột vinh quy bái tổ, đội mũ cánh chuồn vểnh ria cưỡi ngựa, oai chẻ, mợ chuột ngồi trong kiệu đi sau có phường kèn đi trước, có lính chuột đội nón dẹp đường. Nhưng đứa nào lại vẽ láo lếu có một thằng mèo ngồi lù lù ở trên, lính chuột xách con cá chép đến líp mõm. Nói phét, chuột mà thấy mèo thì không thèm nhìn mặt chứ đâu cảnh khúm núm thái bình vậy chứ!



Nào, thử xem tiếp xem có thứ gì thiên hạ làm vui, làm tốt đôi chút cho chuột không? Cũng là tán phét thôi. Mới nghĩ ra chuột rúc. Nghe tiếng chuột rúc, nông dân bảo chuột đuổi nhau rúc rich, thế là chuột cười đùa, điềm no đủ, bồ đầy thóc, được mùa. Thứ nht đom đóm vào nhà, thứ nhì chuột rúc, th ba hoa đèn. Tết đến, xem trên tivi thấy người ta bắn pháo hoa, hết hoa cà hoa cải nở tua tủa đến đoạn trổ ra màu xanh đỏ rối rít, lũ trẻ con bọn tôi lại reo to: Chuột chạy! Chuột chạy! các ông bà chuột vui trong pháo hoa đốt mừng. còn như thằng người đặt tên quả dưa chuột thì rõ là vô lý, vô lý đùng đùng. Chắc lẽ vì dưa chuôt thon giống con chuôt. Nhưng quáng mắt rồi, con chuột màu xám còn quả dưa thì xanh lè lè. Trong Nam người ta gọi dưa leo phải hơn, cây dưa trồng ngoài ruộng leo trên giàn. Ôi! Chuột có bao nhiêu cái tử tế  mà vẫn mang tiếng. bảo chuột mang bệnh truyền nhiễm các giống bệnh nguy hiểm mà sao trên thế giới, những phòng thí nghiệm các thứ thuốc, cứ lôi chuột ra mà tiêm, nào bắt chuột ăn, bắt chuột uống nước. thế là chuột đã xả than, nhận cái chết thay cho con người đó thôi, quân tử quá còn j nữa. chuột còn dạy đạo đức cho con người nữa. truyện  dân gian “ Trinh thử”.  Chuột chồng đi vắng, chuột vợ ở nhà trông nhà, trời mưa một chàng chuột lạ vào hang xin trú chân. Thình lình chuột chồng về thấy thế cho là chuột vợ long dạ trăng hoa bèn giận bỏ đi. Chuột vợ uất quá, khóc lóc kể cái oan với ông thầy đồ đi qua. Thầy đồ tìm chuột chồng khuyên giải, chuột nghe ra, hiểu vợ mình đoan chính. Đúng rồi, chuyện vợ chồng chuột là chuyện ngụ ngôn dạy đời, giáo dục đặc tính thuỷ chung co con người đấy thôi.
Hôm nay, ngồi viết tiếp về chuột vì ở quê tôi mùa này người ta ăn thịt chuột nhiều, bạn bè tôi ở quê cũng hay đi uống rượu thịt chuột rồi mời tôi qua điện thoại. lại ôn lại quãng thời gian “kiếm tiền” bằng đuôi chuột, rồi lại đi chén thịt chuột. Mùa này, ở quê mà ra đồng hun chuột, bắt được con “tí ù” đem luộc lên rồi rắc lá chanh, chấm tương ta, nhắm rượu thì ngon làm sao. Ngồi thanh minh cho chuột, lại đi ăn thịt chuột, âu cũng là cái thói xấu cố hữu của một thằng người như tôi.

SaiGon, 27 / 10/2014

4 nhận xét:

  1. Nói đến cái giống nhà chuột coi bộ rối, hì hì!
    Giữa chuột chù và họ hàng nhà chuột (chuột nhà, chuột cống, chuột đồng...) theo cách nhìn khoa học thì được xếp vào 2 loại khác biệt. Từ điển Sinh học phổ thông (Lê Đình Lương chủ biên-NXB Giáo Dục 2003), chuột chù (Suncus murinus) được xếp vào bộ thú ăn sâu bọ (có ích), trong khi họ hàng nhà chuột còn lại được xép vào bộ thú gặm nhấm (có hại). Chuột chù cũng còn được gọi là chuột xạ vì nó có tuyến hôi.
    Còn con chuột chũi (trũi), hoặc chuột nhũi, có lẽ là cách nói truyền khẩu dân gian vì tôi tra trong nhiều sách vở không thấy nói đến). Có lẽ cách nói này để chỉ đặc tính ưa đào hang của loài chuột này, chắc bạn Huy Trường còn nhớ đến con dế chũi (trũi, nhũi) trong chuyện Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài. Theo chỗ tôi hiểu thì từ chuột chũi được hiểu là để chỉ chuột chù, bởi loài này ưa đào bới đất (chũi, nhũi) bắt sâu bọ.

    Nghe bạn kể chuyện nhậu thịt chuột thấy hay :-)

    Dịp cuối năm thỉnh thoảng tôi rảnh vào khoảng từ 6g chiều đến khoảng ngoài 7g, có dịp nào có thể uống cà phê (quán ở khu vực quận Phú Nhuận thì tiện).

    Trả lờiXóa
  2. Dạ. Vậy thì con đã hiểu chuột chũi và chuột chù rồi ạ. Tên của nó đã được địa phương Việt Nam hoá. Hihi.
    Còn chuyện dễ trũi thì con lại nhớ ra: hồi trước, đi học tụi con cũng cự lộn um sùm với cái tên. Ở một số vùng quê ngoài Bắc gọi con dế trũi là Con Cày Cày. Quê con cũng vậy, con vẫn nghĩ con dế trũi là con dế bự, đen (đen trùi trũi). Kết quả là suýt uýnh lộn, sau có thầy giáo đứng ra giảo thích thì tụi con mới thông.
    Bữa nào cuối tuần rảnh con mời bác đi cafe. Giờ bác rảnh cũng là giờ của con. Hì hì. Bác cho con địa chỉ quán bác hay ngồi rồi con qua. Con đi từ quận 3 sanh cũng ko xa lắm ạ. Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con dế chũi (dế nhũi, dế trũi), gọi như thế bởi nó có 2 cái càng lớn phía trước để chuyên đào đất.

      Email của tôi phamngochiep01@gmail.com, có gì bạn nhắn cho tôi số điện thoại.

      Xóa
  3. Dạ. Cái này mãi sau con mới biết đó bác à. Ko đi ra ngoài thì chẳng biết được. Hihi. Đúng là dở như hạch. :-)

    Trả lờiXóa