Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Chuyện cái quạt.


Mấy hôm trước, tôi đi công tác một mình ngoài Phan Thiết mấy ngày. Cái số xui rủi thế nào mà ra đúng vào mấy hôm cúp điện. Chủ khách sạn đành phải “nói khó” với tôi để dùng quạt thay cho điều hoà vì máy phát điện công suất nhỏ không tải được điều hoà. Lại nghĩ được ra chuyện xoay quanh cái quạt, nhưng là quạt giấy ở quê hay dùng chứ không phải cái quạt mo trong chuyện Thằng Bờm nổi tiếng.



Ngày xưa, Từ phương Đông, cái quạt du nhập sang phương tây. Châu Âu máy móc và lý trí gọi cái quạt là chiếc bình phong nhỏ di động, dùng để quấy đảo không khí, làm cho mát. Châu Âu cũng có nhiều quạt. Đặc biệt, giới quý tộc dùng nhiều quạt rất cầu kỳ vì họ coi chúng là một loại đồ trang sức năng động và tế nhị: quạt có đăng ten, quạt lụa màu, quạt có gương, quạt có đá quý quạt đồi mồi v.v… Phụ nữ và nhất là các bà mệnh phụ hay dùng quạt để nhìn kỹ một hiện tượng, dáng nét nào đó mà vẫn không trắng trợn hoặc sỗ sàng. Trong các màn trai gái yêu nhau kiểu mèo vờn chuột, cái quạt lẳng lơ đã thể hiện được nhiều điều xuất sắc Chiếc quạt mở ra một phần hay toàn phần che ngang bộ ngực thiếu nguỵ trang, cầm ngược, cụp lại xòe ra từ từ, huơ lên, hạ xuống v.v… đều là những tín hiệu quan trọng mà chỉ người trong cuộc mới giải mã được. Cái quạt còn dùng để nguỵ trang, đánh lừa, nũng nịu đối phương. Tại bảo tàng Louvre (Pháp) có lưu trữ nhiều loại quạt của thế kỷ 17, 18. Bảo tàng Manhattan giữ nhiều bức danh hoạ có các thiếu nữ cầm quạt của nhiều thời đại. Bức nổi nhất là bức "Cô gái cầm quạt" của hoạ sĩ Barthe Marisat. Bức hoạ này vừa được lưu ý về cô gái đang ở trạng thái nóng nực, vừa được lưu ý về cái quạt được xoè ra, say sưa hết cỡ.

Nước ta là một trong những quê hương của cái quạt. Ở Hà Nội xưa, tại phố Hàng Quạt, có đình Hàng Quạt, có thờ tổ sư nghề làm quạt họ Đào, người làng Đào Xá, Ân Thi, Hải Hưng. Chính dân Đào Xá đã ra Kẻ Chợ lập phường làm quạt và dựng lên ngôi đình này. Khi tôi lớn lên, thấy quạt Hưng Yên, quạt Phù Ủng, quạt Hữu Bằng (Nủa), Chàng Sơn – Thạch Thất… là có tiếng nhất. Có rất nhiều loại quạt: quạt trầm hương, đồi mồi, lá nan, lông gà… Quạt hầu bóng, quạt thằng Bờm, quạt lễ quạt rước quạt tiến, quạt kéo, quạt thước v.v… Quạt kéo có cánh 180 x  70cm, lợp vải và có hệ thống dây cho một người kéo, làm mát được không gian rộng. Nó xuất hiện ở Hà Nội từ thời Pháp, trong tiểu thuyết “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân có nói về xuất xứ loại quạt này,cỡ năm 1914, 1915 gì đó. Rồi trong tiểu thuyết “Quê Nhà” của Tô Hoài cũng có nói đến đoạn hai đứa trẻ con làm “tai mắt” cho bác Bếp, dân làng Vọng trong thành Hà Nội, cũng làm chân quạt mát cho viên Quan Ba của Pháp, cũng kéo một cái dây dài từ bên ngoài để quạt mát cho quan. Quạt thước dài chừng 45cm dùng cho những người có tuổi ở nông thôn. Nó vừa che nắng vừa che mưa, đuổi chó. Cho nên, còn gọi là quạt đánh chó. Năm 1944, nhà văn Nguyễn Tuân mặc áo gấm, khăn đóng, tay cầm cái quạt thước to xòe ra, vào quán TAVERRNE ROYALE, được mọi người xúm xít lại nhìn ngắm, trầm trồ. Đặc biệt là những khách người Pháp đánh giá rất cao cách ăn mặc này kèm cái quạt thước độc đáo. 


Nói về cái quạt, bà Hồ Xuân Hương cũng có một bài thơ về cái quạt
Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa 
Duyên em dính dáng tự ngày xưa
Chành ra ba góc, da còn thiếu 
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa 
Mát mặt anh hùng khi tắt gió 
Che đầu quân tử lúc sa mưa 
Thì thào ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?


Ngày trước, tôi hay được nghe lỏm mấy bà buôn chuyện đầu ngõ gọi mấy chuyện chị em chỉ nói nhỏ được với nhau gọi là "chuyện sau cái quạt". Đơn vị bắn pháo cao xạ đầu tiên của Việt nam đã ra lệnh: "Bắn rẻ quạt" tức là bắn toả để đạn rải ra, chặn máy bay địch. Ở một vài cấu trúc chạm trổ trong những đình chùa có những chi tiết từ không gian hẹp mở ra không gian rộng gọi là chi tiết rẻ quạt. Người con lấy làm sung sướng được săn sóc mẹ trong những lúc nóng bức cũng như những lúc lạnh lùng được gọi là "quạt nồng ấp lạnh". Người con trai được quạt cho người con gái hoặc ngược lại, người cầm quạt cảm thấy mát mẻ hơn người được quạt: Dễ ai rấp thảm, quạt sầu cho nguôi. Cái quạt giấy Việt nam, dù to dù nhỏ bao giờ cũng chỉ có 17, 18 nan. Chưa bao giờ có quạt 16 hoặc 19 nan. Hồ Xuân Hương đã rất đúng khi viết: 

Mười bảy hay là mười tám đây!

Cho ta yêu dấu chẳng rời tay
 


Tình yêu của đôi lứa còn đến mức: Để cho cái quạt long nhài đến cái mức tan nát, vô phương cứu chữa. Vị trọng tài cao quý của võ sĩ Sumô Nhật Bản tay cầm quạt chỉ huy, ra lệnh, chỉ định người thắng, kẻ thua. Nó đại diện cho quyền uy và chân lý. Trong những cuộc múa Chăm của đồng bào Chăm ngoài Bình Thuận, Ninh Thuận mà tôi đã được xem tận mắt, múa quạt là một đỉnh cao. Cái quạt trong tay các vũ nữ là con công, gà, phượng, rồng, bướm, là gió, mây, là tất cả… Vai thi sĩ, người hào hoa, pong lưu trong phim chưởng Tàu bao giờ cũng cầm cái quạt trong tay để giãi bày, giở bài thơ ra ngâm, hơi che mặt nghiêng nghiêng làm duyên, khi đánh nhay còn dùng quạt để “tẩn” đối phương như Càn Long đời Thanh bên Tàu là một ví dụ. Khi thi đỗ, Lưu Bình trở về thấy người yêu đã biến mất. Trong tay cầm cái quạt không biết mở ra hay cụp vào. Chàng bỗng vung quạt lên và ngâm một câu "sổng" bất hủ và ngơ ngác: Nàng bỏ đi đâu? Phòng loan lạn li ngắt… Trong vở "Tuần ty đào huế" anh Tuần Ty trong tay chỉ có một cái quạt. Bên anh ta là vợ chính thức và người vợ "nhặt" yêu quý đang đánh ghen với nhau. Anh phải can ngăn dàn xếp. Cái quạt đã giúp anh che bên nọ, chắn bên kia. Cái quạt đã giúp anh lột tả được những giây phút bối rối, năn nỉ, bực mình, vui vẻ, hối hả, dàn hoà... Trong Truyện Kiều, Kim Trọng thề bồi với cô Kiều cũng xòe quạt. Quạt này gọi là quạt thề, quạt ước. Nó giúp chủ nó thể hiện trạng thái tâm hồn vui sướng hay sầu muộn, điên loạn hoặc mơ hồ hoặc chói chang sắc lạnh. Có lúc lại chập chờn mê sảng. Cái quạt có giá trị biểu đạt rất lớn trong nghệ thuật chèo vì nó được sử dụng triệt để. Cái quạt Việt nam vừa được dùng để quạt mát vừa là vật trang trí rất quan trọng và thật đáng yêu. Thật vậy cái quạt giấy 1 7 hoặc 18 nan được nhuộm bằng nước màu phẩm với màu hồng nâu nhạt thân thiết của Hưng Yên hay Nủa, Chàng Sơn vẫn có duyên nhất, phổ biến nhất, tiện dụng nhất: Hồng hồng má phấn duyên vì cây Chúa dấu, vua yêu một cái này… 




Chẳng biết những cái tôi kể ở trên có đúng với các điển tích trng truyện cổ chưa. Hy vọng là nhớ không nhầm. Mong được bạn đọc chia sẻ và sửa lỗi giúp. Viết vội nên cũng thấy thiếu mà không nhớ được thiếu gì.
                                                                                      Chợ Lớn, 21 / 08 / 2014

2 nhận xét:

  1. Ở VN mình cái quạt có nhiều thứ, cho nhiều loại người trong xã hội, quạt mo nổi tiếng nhất qua câu chuyện Thằng Bờm, quạt giấy, quạt đồi mồi, quạt sừng, quạt nan, quạt buồm... sau này có cả quạt... tai voi chạy bằng điện của Liên Xô :-)))

    Trả lờiXóa
  2. Dạ. Cám ơn bác đã bổ sung. Ngoài quạt tai voi còn có quạt con cóc. Quạt nan là con nhớ nhất. Ngày trước bà nội mà đánh là cứ giá quạt mà phang bác à. Chạch lươn có đủ cản hì hì

    Trả lờiXóa