Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Bắt chuột

Ở quê tôi, hai làng Canh Nậu và Dị Nậu đều nổi tiếng với món thịt chuột. Sau này, lớn lên đi học hay đi làm ở nơi khác mỗi khi nhậu nhẹt hay tán phét đều nói ở quê có món thịt chuột ăn thì quên sầu. Cũng lâu lắm rồi tôi chưa được ăn thịt chuột, cũng nhớ nhớ món Tý này. Từ hồi có dịp đi về Tịnh Biên – An Giang thì phải. Món này ở quê tôi đã từng được lên báo.
Vào cữ này đây, ở quê mùa vụ cuzbg đã xong. Mọi người lại đi ra đồng bắt chuột.

Thịt chuột được bày bán ở chợ Núc, x. Canh Nậu, h. Thạch Thất, HN
Đồng làng tôi nhỏ, nằm lọt thỏm giữa đồng Canh, đồng Hiệp, đồng Thày, đồng Chàng và đồng Nủa. ruộng thì nhỏ, tủn mủn mảnh khoảng 1 sào Bắc Bộ ( 360 m2) trở lại. chỉ có mùa gặt xong, người làng tồi và bên Canh hay ra đồng bắt chuột. Thường thì ở quê, có nơi ăn thịt chuột, có nơi không, nhiều người còn kinh là đằng khác. Nhưng những ai ăn đc thjt chuột thì lại nghĩ vơ vào thế này: chuột đồng chứ không phải là chuột làng, chuột làng khác. Chuột trong làng dơ dáy, chuột bẩn. Chuột đồng ở nơi đồg không mông quạnh, chỉ ăn thóc như con gà con qué, con chim sâu trong vườn nhặt hạt cơm, con sâu. Cẩn thận hơn, tháng mười người ta đi bắt chuột, toàn đi bắt đồng xa, lặn lội xuống tận đồng Nủa hay Thày thật xa làng. Không bắt chuột ở Cây Da, cống sông đen – có bãi tha ma.
Có một điều mà thật sự ai cũng biết, mà hình như là họ cố tình không muốn biết, chuột đồng chẳng qua là chuột trong làng. Đến mùa gặt, chuột đói trong làng kéo ra đồng ăn thóc, trú ngụ ở các gò cao. Mùa Đông, chuột no ấm rồi làm ổ đẻ trong lỗ gò. Đến khi đòng ruộng vào làm mùa, chỗ nào cũng ngập trắng nước, không còn j ăn, hết chỗ trú ngụ, chuột lại kéo về làng. Như chú Thành tôi nói, cơ chừng phải và hợp lý hơn cả:”Chuột nhà ra đồng vài hôm, ăn thóc, thế là thành chuột đồng sạch sẽ rồi”. và như một vài cụ cao niên trong làng nói lại cái thói quen “chén” thịt chuột chẳng qua cũng là cung cách ăn uống của thiếu đói ngày xưa. Mùa rét, đi bắt chuột đồng, như ngày Tết ra bờ tre rình đánh chó chạy pháo nổ. phải nhếch nhác thế nào mới ăn chuột, ăn châu chấu, cào cào, ễnh ương, chẫu, nhái như vậy. nhưng dẫu có là “phong tục”, cũng không phải phong tục nền nếp của những làng xóm no đủ. Cả làng nhà tôi đều ăn thịt chuột. thịt chuột mà làm lên ngon lành thì ngon cũng không khác j thịt gà, thịt chó đâu. Cứ ngồi hàng trà đá, chè tươi, ngồi uống chè, rít thuốc lào rồi lại tán chuyện thịt chuột rán ngon hay thịt chuột xào lăn, chuột luộc rồi ướp lá chanh ngon hơn. Rồi khi ngoài đồng đã gặt quang thì trẻ con, người lớn và thậm chí là cả người già cũng rủ nhau ra đồng bắt chuột. tôi thì hay đi cùng bọn thằng Quyền, thằng Dương và Mạnh tý. Từ tối hôm trc đã bàn nhau đi bắt ở đồng nào, thằng nào mang cái gì theo. Đi bắt chuột thì thằng cầm cái tải rơm, nhà thằng Quyền có chó thì mang theo. Con chó vàng vện cứ lẵng nhẵng theo sau, chẳng phải chó nòi hay chó săn đâu, chỉ là chó nhà nuôi, nhỡ nhỡ lại bán, lại thịt. Rồi thì thằng xách giỏ, cái thuổng, thùng nước, dọng để chặn cửa hang.


Món chuột luộc lá chanh.
Bọn tôi không bắt chuột ở đất rau hay khu đồng Cổng Cái bao giờ. Vì, ở đấy chỉ có những con chuột nhỏ, chuột nhỡ chẳng đáng bắt, và những con chuột cái gầy lõ xương lừ đừ vác cái bụng chửa đi tìm hang đẻ. Vả lại chỗ đồng cao, đất rắn, không có nước mà đổ.  Chỉ khi nào có phong trào phát động bắt chuột của xã cứ bán 200 đồng/1 đuôi chuột thì mới đến đấy bắt. Đi thẳng lên Ngoài Xa, đấy người ta trồng rau màu nhiều hay gặp chuột đàn, lắm khi bắt được cả Chuột dái –người vùng tôi đặt tên chuột dái hay “tí ù” cho con chuột to hơn cả chuột cống. Tới nơi thì chia nhau mà tìm hang. Điểm để nhận ra hang chuột là cửa hang thoáng đãng, không ẩm ướt, không có mạng nhện, đôi khi mờ mờ vết móng lắt nhắt. Hang rắn thì có vết hằn trườn giữa cửa nhẵn gồ sống trâu, chớ dại mà thò tay vào lỗ đó. Khi đã tìm thấy hang có in vết chân chuột là hò nhau, xúm lại tìm các cửa ngách mà lấp lại.. Đặt dọng vào các lỗ trống. Từng nhát thuổng buông xuống thình thịch…thình thịch… vừa nhấc thuổng, vừa nghe ngóng. Con chuột nào nhát, thấy động là nhào ra, đâm thẳng vào dọng. Chỉ việc nhanh tay bóp dọng lại, kéo đuôi ra, lấy tay chẹt cổ, chuột nhe răng ra, ghè vào lưỡi cuốc bẻ răng kêu “ khắc khắc”. Rồi thả con chuột mồm còn vung vãi máu vào cái giỏ. Rồi lại tới hang khác, hang này thì phải đổ nước, rồi lại thay phiên nhau múc nước, chuyền nước từ mương nước để đổ vào hang. Nước ứ lên tận miệng hang, một con lướt mướt nhào ra, vẫn chỉ là chuột nhỏ, chuột nhỡ. Hang này có vết chân chuột to, chuột tí ù. Chuột này thì đừng hòng dễ bắt, dẫu cho đất rung, nước ngập đến khấu đuôi vẫn đứng yên. Đổ nước òng ọc xuống mà vẫn không ăn thua, lại quay ra hun rơm, quạt mạnh tay để lùa khói vào hang, thằng Quyền ngồi quạt ho sặc sụa mặc cho mấy con chó vện đi cùng cào đất sủa inh ỏi. Thằng Vương – anh thằng Quyền, cầm thuổng đào, hạ từng nhát thuổng xuống , hất từng tảng đất to ra, lúc này chuột mới theo tảng đất nhảy ra chạy. Cả bọn đứng dậy, đuổi theo và reo loạn xạ. Con chuột dái bị chộp giữa dòng nước.




Sau này, khi tôi đi làm rồi thi thoảng vẫn mời anh em cùng chỗ làm về quê ăn thịt chuột mỗi khi có dịp. Nhưng không phải đi bắt mà là ra quán, quán đặc sản chuột, chó, mèo ở quê tôi không thiếu. Uống với rượu quốc lủi vùng Sấu Giá thì tốn rượu, tốn mồi phải biết.  Để rồi, giờ đây, ngồi gõ bàn phím lách cách mà vẫn nhìn thấy cánh đồng mênh mông ở quê. Nhưng chẳng thấy bóng dáng mấy thằng trẻ con đuổi chuột nữa. Cánh đồng ngày trước giờ mọc lên kha khá các ngôi nhà cao tầng khang trang. Làng xóm đã lấn ra đến đồng rồi. Bây giờ nơi đó thực sự chỉ còn chuột nhà, chuột cống mà thôi.

4 nhận xét:

  1. Món thịt chuột trong Nam ngoài Bắc đều có, ai quen ăn đều "hảo", tôi thì không dám xơi vì không quen, nhìn nghĩ đến con chuột nhà đâm sợ :-)

    Trả lờiXóa
  2. Dạ. Đúng là phải quen mới "dám" ăn bác à. con chắc từ nhỏ đã được "nhồi" thật lực nên bây giờ ghiền. Với lại con thì trừ món cá ra thì thịt gì con cũng ghiền hết. hihi

    Trả lờiXóa
  3. Lí thuyết chuột đồng và chuột nhà là một nghe có lí lắm. Ở đâu có thức ăn thì chuột đến. khi đồng hết lúa rơi lúa vãi thì chuột đi đâu?
    Câu chuyện bắt chuột của bạn thành một kỉ niệm về làng quê rất thú vị, nó cũng là một trải nghiệm trong đời một con người.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn bác Bu đã ghé thăm và để lại đôi dòng. Hihi. Không biết phải xưng hô với bác sao đây?

    Trả lờiXóa