Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Bẫy chim

âu lâu, rảnh rỗi mang cuốn "phong lưu cũ mới" của soạn giả Vương Hồng Sển ra đọc lại. Đọc về phần chơi chim mà thấy nhớ nhớ về một cái gì đó.
Ở ngoài Bắc, cứ độ mùa xuân là hay có mưa phùn, mưa bụi. Độ tháng 3 là đã thấy từng đàn chim bay về rồi. Đầu tiên có lẽ là chim sâu, và vành khuyên về trước nhất. Bố tôi cũng là một tay chơi, chim, cá và cây cảnh có tiếng trong mấy làng. Ông có lồng chim khướu, cu gáy, vành khuyên, chích choè lửa....nhưng tôi thích nghe tiếng hót của chim vành khuyên nhất. mình nó nhỏ thon, vàng thẫm chen chút lông màu thẫm, nhất là đôi mắt óng ánh trong cái vàng mắt trắng phau.
Sát nhà tôi có thằng Hồng, nó ở nhà ông ngoại nó- nhà ông Nguyên, nhiều hơn ở nhà. Nó đặt cái lồng bẫy chim trong vườn ổi nhà ông nó. Thỉnh thoảng có đàn chim chích, khuyên bay trong vườn. Tôi đang ngồi ở cửa nhà trồn thấy vẫn lẩm bẩm:
- đàn chích này to quá. Chuẩn bị vào rồi. Sập!
Sập bẫy thằng Hồng rồi. Tôi ngó sang thấy bờ ao trong vườn nhà thằng Hồng có 2 cây ổi, cây to, lá rậm. Nó treo cái lồng trên cànb cao vót. Cái lồng vuông, có 2 tầng, có mảnh lưới ở trên mặt. Ở đó đã thấy con chim mồi với 2,3 con chim đã sập bẫy. Mỗi con chim thằng Hồng bán những 2 nghìn đồng ( giá tiền những năm 96, 97). Vậy nên lúc nào nó cũng có tiền ăn chè, ăn thạch, ăn kẹo ở quán bà Dư. Lại còn có tiền bỏ lợn nữa. Mà kể ra cũng hay, không biết ông cố, ông cụ nào ngày xưa trong lúc cao hứng lại sáng chế ra được cái lồng hay như th ế, chẳng cần phải học qua cơ học, mômen vật lý hay hệ thống, hệ thiếc gì cả. Chỉ có miếng chuối cắm trên mẩu dây thép, cắm thêm cái hoa râm bụt đỏ che chỗ them bẫy. Chim chỉ trông thấy cái hoa. Nhảy vào ăn miếng chuối là sập bẫy. Rồi tôi nhớ ra ở gác bếp nhà mình có một chiếc như vậy. Rồi cũng lấy xuống làm y chang như thằng Hồng nó làm. Rồi cũng đem ra cây roi nhà tôi treo ở đó.

Lúc đó, vui sướng nghĩ đến ngày nào cũng bẫy đc một hoặc 2,3 con gì đó. Như vậy là thích lắm. Nhưng ác nỗi là tôi toàn phải đi học cả ngày, trưa thì ăn cơm nhà chú tôi, không về. Vậy là, vị tính mỗi ngày chỉ mở lồng được một lần. Được con chim khuyên đực, bán cũng được bốn, năm nghìn. Cobtiền bán chim rồi thì mua cá, thuê truyện tranh về đọc. Tôi cũng sắp lồng như thằng Hồng, cũng hoa râm bụt đỏ, cái cầu sập đặt mẩu chuối. Ở dưới đặt con chim mồi hót vui tai lắm.
Đi học mà cả ngày cứ thấp thỏm. Tan học là chạy một mạch về nhà thật nhanh. Ngẩng lên, thấy cái lồng bẫy trên cây vẫn y nguyên. Còn thằng Hồng nghe nói nó đc mấy con. Chắc hôm nay nó phải mở cửa bẫy dến mấy lượt, mình so thế nào được với nó. Nó có 2 anh em. Thằng này đi học thì thằng kia ở nhà.
Hôm sau, hôm sau nữa, mấy hôm sau nữa...vẫn thế. thay chuối, thay hoa khác vẫn chả được sập một lần. Có hôm Chủ Nhật ở nhà tha thẩn cả ngày rình mà vẫn ko có gì. Còn lồng thằnh Hồng bật tanh tách. Hay là chim bên nhà nó sập kêu choé lẻn làm chim sợ ko có một mống dám xuống bên mình. Chẳng lẽ cái lồng nhà mình nó phải vía. Không biết "phải vía" là thế nào? Chắc có lẽ nó cũng như những chuyện đen đủi tựa như ra ngõ gặp gái, như tiếngbcon cú nửa đêm, con quạ sáng sớm, con chim lợn lúc chập tối...như bố tôi, chú tôi lúc uống nước vẫn nói.
Rồi có ngày trời mưa to, xong lại nắng cháy, tôi đi học mà thầm sốt ruột. Chim mồi ở nhà không chết vì mưa thì cũng chết vì nắng mất. Tan học, về nhà bối rối hạ cái lồng xuống. Con chim mồi đã chết chỏng gọng từ bao giờ. Cái của bẫy sập, không biết chim lạ đã vào rồi lại lách ra hay mưa làm sập then xuống. Bởi vì không được con chim nào cả.
Từ đó, tôi thôi bẫy chim, mà chỉ bắn bằng súng cao su. Được con nào thì về nướng chấm muối ăn. Vì tôi bắn chim rất khéo, ít khi trượt. Sau này, thi thoảng đi chợ Bưởi vào đúng phiên chợ chim. Đông người đi xem, đi mua. Vẹt đủ thứ màu, con yểng thì liến thoắng: Ai đấy? Ai đấy? Người ta xúm đen, xúm đỏ chọn lồng mi, lồng khướu. Trẻ con thì thích chơi chim ri, sáo mỏ ngà, khuyên. Tôi được mẹ mua cho một đôi ri sừng. Chim này chỉ ăn thóc, dễ nuôi.
Bây giờ, mỗi khi nhìn thấy lồng chim, nghe tiếng chim, vẫn thấy khắc khoải. Tưởng như dễ bẫy, mình sẽ bẫy được, thế mà chưa khi nào bẫy nổi một con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét