Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Trung Thu

Lại sắp Trung Thu rồi. Trung Thu bây giờ không biết có giống ngày trước không nữa? Tôi đã lớn rồi, phải "lo toan" hay là sự thật không khí trung thu bây giờ nó công nghiệp, nó bị Tây hoá mất rồi.
Theo như những j tôi biết và theo dõi trong sách vở, các tích xưa từ các cụ cao niên. Thì, Từ rất xa xưa đã có tục lệ, mùa xuân tế mặt trời, mùa thu tế mặt trăng. Tế xong, mọi người cùng thưởng thức bánh dưới trăng. Phong tục này cứ kéo dài. Ngày 15 là ngày giữa tháng tám, cũng là giữa mùa thu. Đó là ngày trăng tròn nhất trong cả năm. Trăng tròn tượng trưng cho hạnh phúc tròn đầy, sự vuông tròn của ước mong. Là sự đoàn viên của các thành viên trong gia đình cũng như họ hàng và cộng đồng. Với trẻ con, được tung tăng chơi và ăn bánh, hoa quả dưới bầu trời có trăng sáng là một điều thú vị và say sưa lắm. Chúng thường nghêu ngao:

"Ánh trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng cuội già
Ôm một mối mơ…"
Với người lớn, người ta nhìn lên mặt trăng sang mát cảm thấy thanh thản như mình trẻ lại. Có khi họ nghĩ đến những kỷ niệm xưa, người xưa: trăng thề nhớ buổi hoa viên; vầng trăng ai xẻ làm đôi, ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương, trông trăng lại nhớ đến người đêm trăng, nhìn trăng đang hát điệu vong tình; Thái Bạch ôm trăng lạnh; thuyền trăng Phạm Lãi luyến Tây Thi… Trăng là đề tài muôn thuở và chứa đựng biết bao nhiêu huyền thoại… Dần dà, người ta không tế trăng nữa mà bày cỗ và chơi dưới trăng. Xung quanh mâm cỗ, chủ yếu là trẻ con rồi đến các thành viên khác trong gia đình và khách. Lũ trẻ con như chúng tôi hơn chục năm về trước đi rước đèn ngoài đường, xóm ngõ, cánh đồng . Chúng tôi tụ tập chừng 10 đến 20 đứa, mỗi đứa mang một chiếc đèn thắp bằng nến. Đèn con thỏ, đèn ông sao, đèn xếp, đèn nổi, đèn lồng, đèn con cóc, mấy thằng lớn hơn một chút đi đầu múa sư tử. Chúng vừa đi vừa hát, có khi đứng vòng lại với nhau rồi múa. Sau khi trước đèn, chúng về nhà phá cỗ. Chúng cùng ăn bánh dẻo, bánh nướng với mọi người và còn được chia thêm các hoa quả như hồng, na, chuối, bưởi, cam, ổi và các loại bánh bằng bột nướng hoặc rán mang hình các con vật thân thuộc như tôm, cá, thỏ, lợn, hươu… Mâm Cỗ được thắp sáng bằng nến, ở giữa có bày tượng một ông tiến sĩ giấy ngồi bảnh choẹ, có cờ có biển. Hình ảnh này tượng trưng cho sự hiếu học, lòng ham mê khoa cử. Bên cạnh còn được bày những con vật nhỏ xíu được nặn bằng bột và quét màu xanh, đỏ, vàng trông rất xinh và ngộ nghĩnh, chính là con Tò He bằng bột nếp. Trong mỗi nhà, thường treo ở gian giữa một chiếc đèn kéo quân tạo nên những hình ảnh hoạt động của các nhân vật trong truyện như: ông già úp cá, Thị Mầu lên chùa, Thạch Sanh đốn củi, Lã Bố hí Điêu Thuyền… Những hình ảnh đó cứ diễu quanh nhiều vòng, in bóng vào mặt giấy của đèn, nhanh hay chậm là do ngọn nến ở giữa cháy to hay cháy nhỏ tạo nên gió chuyển nhiều hay ít. Bọn trẻ còn bận bịu và hồi hộp với những đồ chơi Trung thu như: quả đào úp mở theo bánh xe phía dưới chuyển động, tàu thuỷ chạy dưới nước, con thỏ đánh trống, con gà thổi kèn… bằng, sắt tây mấy hôm trước ngày rằm, một số đám trẻ con khác hiếu động rủ nhau đi trồng đèn và kể vè. Chúng nắm tay nhau, xếp thành vòng tròn có tầng trên và tầng dưới. Những đứa ở tầng trên đứng lên vai những đứa ở tầng dưới. Một đứa tốt giọng kể vè, những đứa khác xen vào câu "Dô ta" để hưởng ứng. Chúng tôi kể nhiều, nhưng chủ yếu là chế nhạo nhau. “Con ngựa bạch đeo cái cương sừng Một cô con gái ôm lưng ông già…" "bên Dị ăn cá bỏ xương, dể cho bên Bến nhặt về kho tương" " Đêm Trung Thu mẹ ru cpn ngủ, con không ngủ mẹ cấu đít con", ..

Vài năm trở lại đâu, ở quê tôi, cứ đến Tết Trung thu, nơi nào cũng náo nhiệt. Nhưng đặc biệt náo nhiệt là ở mấy khu Bãi Gỗ, Nhà Thờ, Cổng Cái, xóm Mới, xóm Bờ Đa. Đặc biệt xóm bãi Gỗ còn rong 2 cái xe cẩu hàng đi dọc làng, trẻ con, người lớn leo cả lên, huy động hết nồi, chảo mà gõ, mà la hét. Vui, náo nhiệt vô cùng.. Cũng có những đoàn múa sư tử, múa rồng của những người lớn thích chơi. Ở trong làng, trẻ con còn chơi trồng hoa trồng nụ, bịt mắt bắt dê, nhảy ngựa, rồng rắn lên mây, hồi đó, đám chúng tôi gồm toàn thằng quỷ sứ, mang súng cao su đi bắn đèn cù của đứa khác, vào vườn nhà người ta hái trộm bưởi, hồng, ổi, khế. Đốt cây rơm nhà người ta… trong những ngày trước và sau rằm tháng tám.
 Tết Trung thu là Tết truyền thống của Việt Nam ta, là Tết của thiếu nhi, nhưng người lớn cũng có phần. Nó gợi nhớ về một tuổi thơ mà chắc chắn là không bao giờ quay trở lại với họ. Họ chỉ ngồi hồi tưởng và tiếc nhớ cái thời đã qua mà thôi.

12 nhận xét:

  1. Tôi ghé qua bạn, bài viết hay, nỗi nhớ Trung thu (tuổi thơ) của một người chưa phải là già, nhưng chắc cũng không còn trẻ. Những trò chơi dân gian tuổi thơ như chồng nụ chồng hoa ("chồng" là chồng lên nhau chứ không phải là "trồng"), nhảy ngựa, bịt mắt bắt dê, đánh đũa, nhảy dây... cũng là một phần tuổi thơ của tôi.
    Chúc bạn có nhiều niềm vui trong cuộc sống. Cho tôi hỏi một câu, bạn sinh trưởng trong một gia đình theo đạo Công giáo? Hoặc có lẽ tuổi thơ của bạn sống ở một nơi có nhiều tín hữu Ki Tô?

    Trả lờiXóa
  2. cám ơn bác Hiệp. Từ "trồng" hay "chồng" trong trò chơi đó con không biết là phải viết sao nữa. Tại ở ngoài Bắc trừ vùng Thái Bình và một vài nơi ở Nam Định( quê gốc của bác. Hì) là phân biệt rõ S, X, Tr, Ch thôi. Con chỉ suy luận theo cách chơi mà con viết là Chồng hay Trồng thôi bác ơi. Bác "soi" kỹ quá. Hihi
    Con vốn dĩ sinh ra trong 1 gia đình theo đạo Thiên Chúa. Quê con theo đạo rất nhiều. Nhưng tiếc là khi con lớn lên, đi ra ngoài, biết chuyện bên ngoài thì đạo của con "nhạt" mất rồi bác ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, tôi khá chú ý đến chuyện dùng từ ngữ, bởi bây giờ viết sai nhiều quá, không phải chỉ những người bình thường như tôi với bạn (nhiều khi tôi cũng viết sai), mà ở giới truyền thông (báo chí). Nói sơ qua về trò chơi chồng nụ chồng hoa, như bạn đã biết gọi thế chính là ở "hành động" khi chơi, 2 bạn ngồi dưới đất quay mặt vào nhau, tay và chân từ từ "chồng" lên nhau cao dần để các bạn khác nhảy qua, ai nhảy bị vướng thì phải ngồi thay thế.

      Qua bài viết của bạn tôi đoán thế.

      Xóa
    2. Dạ. Đúng là trò chơi như vậy bác H ơi. Tụi con còn gọi một tên nữa là "nhảy nụ", giờ con mới nhớ ra cái tên này. Còn chuyện viết sai từ ngữ con nghĩ là khó có thể hết được. Như ông Nguyễn Hiến Lê cũng từng đề cập tới chuyện viết sai chính tả, nặng nhất ở những năm đầu thế kỷ XX. Mãi sau mới có từ điển Tiếng Việt thì chuyện này mới được cải thiện. Con nghĩ chắc cái này bác biết vì con thấy số lượng từ điển bác sở hữu cũng rất đáng nể.

      Xóa
    3. Đúng là còn một tên gọi là "nhảy nụ". Bạn đọc sách của ông Nguyễn Hiến Lê là đúng lắm, ông viết hay, chí tình, đọc sách của ông ấy ta học hỏi được rất, tôi cũng có kha khá sách của ông ấy.
      Người miền Bắc hoặc miền Nam cũng đều có cách viết sai chính tả (một phần là do phát âm), hồi tôi còn nhỏ thì thấy người miền Nam viết sai nhiều hơn, nhưng bây giờ lại thấy nhiều người miền Bắc viết sai những cái... kỳ dị (chẳng hạn l thành n và ngược lại), mà không phải sai ở người ít học, người có bằng cấp đàng hoàng cũng viết sai.
      Một trong những "sách đọc" của tôi là từ điển, tôi thường đọc từ điển các loại, thấy cái gì hay thì ghi nhớ. Bạn để ý đúng, tôi có khá nhiều từ điển, từ điển Hán-Việt, Việt-Hán tôi có cả chục quyển, tại sao phải có nhiều như thế? nếu cần tra được nhiều sách rồi so sánh thì độ chính xác sẽ cao. Từ điển tiếng Việt xưa nay tôi cũng có như thế, cũng chú ý chọn những tác giả viết tin cậy. Tôi cũng kiếm được những từ điển chuyên ngành, về ngôn ngữ, văn học, thành ngữ, tục ngữ, tôn giáo, địa chí... nói chung là về tất cả những gì thuộc đời sống, cũng rất thú vị.

      Xóa
  3. Lỗi L, N của người Bắc phổ biến nhất đó bác (một vài nơi họ phân biệt bằng cách nói L cao, L thấp :-)). Đó là do họ phát âm không chuẩn nên không thể phân biệt được, dù có là viết đi chăng nữa. sách ông Nguyễn Hiến Lê con đọc quyển đầu tiên là "Đế thiên, Đế thíc". Sau này khi có điêu kiện con đọc thêm nhiều sách nữa. Con có sách của Tô Hoài, của Vũ Bằng, Nguyễn Công Hoan...và nhiều sách nghiên cứu của nhiều tác giả gộp lại.
    Con nhìn lượng từ điển bác có mà con thèm. Con chỉ có mấy quyển từ điển các môn ngoại ngữ con từng học thôi ạ. Chuyên ngành thì duy nhất ngành cơ khí con theo học chuyên nghiệp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều khi ta nghĩ viết sai do phát âm không chuẩn, điều này thực ra cũng đúng chẳng hạn người miền Nam hay viết sai chính tả do thường viết theo phát âm. Nhưng đó không phải là lý do chủ yếu (người miền nào, địa phương nào cũng có những phát âm không chuẩn, và khi cố phát âm "chuẩn" thì lại thành ra nói ngọng nghịu). Cái chính là khi viết họ lười không chú ý đến "mặt chữ". Hồi tôi còn đi làm có anh kỹ sư xây dựng từ miền Bắc vào, anh ta nói "nát lền nhà" (lát nền nhà), và khi viết cũng viết y như thế. Nếu chú ý mặt chữ thì dù có nói giọng địa phương nào viết cũng chuẩn.
      Đúng là từ điển của tôi có nhiều thật, từ điển chữ Nôm cũng có mấy quyển, cả từ điển tiếng Tày, Nùng, Mường, H'Mong, từ điển Thần thoại Hy Lạp-La Mã, từ điển triết học xuất bản ngày xưa tại Saigon và xuất bản bây giờ, từ điển Phật giáo mấy quyển, từ điển Kinh thánh và từ điển thần học Ki Tô, từ điển Truyện Kiều, Lục Vân Tiên... chuyên ngành có từ điển về điện, địa chất, nông nghiệp, thủy sản, hoa... Pháp Việt, Việt Pháp, Anh Việt, Việt Anh, Nhật Việt, Việt Nhật, mỗi loại có nhiều tác giả...
      Mấy chục năm mua sách nên tàm tạm cần gì có để tham khảo.

      Xóa
    2. Có lần bác viết là sau Giải phóng bác đã "tự nguyện" nộp cho nhà nước cũng kha khá sách. Con giờ cũng đang đi theo con đường của bác. Hihi. Thi thoảng mua 1, 2 quyển giờ cũng có tương đối.
      Còn chuyện sai chính tả do phát âm rồi đem luôn lên mặt giấy bây giờ vẫn rất nhiều. Con thi thoảng nhắn tin điện thoại với bạn cũng phải tự "phiên dịch", L, N "nẫn nộn" nên con giờ giỏi trong việc đoán từ ngữ lắm. Hì

      Xóa
    3. Hồi sau năm 1975 người ta "tịch thu sách đồi trụy, phản động", gọi là như thế nhưng thực ra là tịch thu hết sách xuất bản ở miền Nam trước 1975. May mà tôi còn giữ được một số từ điển, sách tham khảo, lúc ấy cũng "liều" mà giữ thôi, vì đám cầm đầu đi tịch thu sách là những người cả đời chẳng bao giờ đụng đến một quyển sách. Sách về Thiền, Phật gíao họ nói mê tín thu hết.
      Nếu mua sách bạn cũng nên định xem loại sách nào cần mua trước, loại nào thư thả.

      Xóa
  4. Dạ. Cám ơn lời khuyên của bác. Gu của con là những cuốn sách viết về các đề tài xã hội, tự nhiên, khoa học thường thức, hồi ký, các sách biên khảo...con mới mua một tập sách của nhạc sỹ Phạm Duy có tên "vang vọng một thời", viết về hoàn cảnh viết, ý nghĩa của 47 bài hát của ông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. A, tôi có thấy quyển đó trong nhà sách mà chưa kịp mua. Thế ra tôi và bạn cùng có một gu đọc sách. Bạn còn trẻ mà mua sách của Phạm Duy viết thì hay quá, bởi thường chỉ những người có tuổi như tôi sống ở miền Nam, trước đây nghe quen nhạc của PD mới chú ý đến sách của ông ấy. Tôi cũng có mấy quyển sách của PD viết.

      Xóa
  5. Con hay nghe nhạc PD lắm bác ơi. Con cũng được gặp ns PD 1 lần. Khi đó con còn là sinh viên nên cũng nghe nhạc PD từ đó. Nhạc của PD thì ban đầu hơi "khó nghe" lúc nghe thấu rồi thì đừng mong bỏ được bác ha. Cũng như ăn sầu riêng đó. Hihi

    Trả lờiXóa