Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Đất

Đi nhà sách chơi, vô tình liếc thấy quầy bán những bộ ấm trà, xong nồi bằng đất nung. Bây giờ, đang ở cái thời buổi nilon, đồ nhựa, ... thử nhớ lại xem cái thưở còn thịnh vượng tranh tre nứa lá ở quê xem thế nào.
Cách đây chỉ khoảng hơn chục năm, lúc tôi còn là cậu bé nhỏ xíu. Mỗi lần được mẹ cho đi chợ Sấu, chợ Săn hay chợ Nủa, hay trông thấy những cái xe đạp thồ, xe cải tiến như chở cả cái đống rơm lù lù, nào là những cái ống đánh lươn bằng giang, những cái đó, cái lờ bẫy cá diếc- những thứ tre pheo, giang nứa đó khi tôi còn ở Sơn Tây, mỗi lần ra chợ Nghệ là cả một góc chợ ngổn ngang các bu gà, đó, đăng, đơm, chổi tre.
Không kể các thứ sập gụ, tủ chè, phản lim, cột nhà gỗ lim, gỗ mít, mà chỉ cần nghĩ đến đất và đất nung đã ra khối thứ. Cũng chưa cần nói tới cái thứ đất sét phải kén chọn để làm ra cái bát, cái lọ hoa...như bên Bát Tràng mà mới chỉ kể đến đất thó, đất sét mà thôi.

Đất đã phục vụ con người. từ dưới bếp ra ngoài sân, la liệt các thứ làm bằng đất. Nhưg không phải thứ đất bậy bạ đâu, đất đóng gạch, làm ngói cuzng kén đất thó, không đào lung tung lấy cả đất bùn rác lên đóng gạch như bây giờ. Đất sét luyện cho quánh rồi đặt lên bàn xoay. Chân đạp đòn xoay, hai tay xoa nặn khéo léo cục đất cũng thành các hình thù của đồ dùng.
Đủ kiểu nồi to nhỏ, nồi nấu cơm, nấu canh, kho cá, chõ xôi, ấm sắc thuốc, hãm nước. Ở trong Nam thì tôi thấy cái tĩn (hay TĨNH- tôi không rõ cách viết), cái tộ kho cá. Lại thêm mấy thứ đồ thô: chĩnh đựng gạo, vại ở góc nhà hứng nước mưa. Góc khác thì có cái chum đc đạy nắp đựng tương đã lên mốc, sắp ngả màu là ăn được. Trong xó nhà lỉnh kỉnh cái siêu thuốc, cái vò để hạt giống ngô, đậu, bầu bí. Rồi lại còn cả cái phướng lợn. Các thứ này được nung kỹ, mặt trơn, rắn thì gọi là sành. Ba cái thứ này dễ vỡ, ấy vậy nhưng nồi đã rạn vẫn chưa vứt đi được, rang ngô, rang đậu còn tốt chán.
Không chỉ đồ ăn, thức đựng bếp núc, cả đồ chơi của lũ trẻ con cũng bằng đất phơi nắng. Sắp Tết, ra chợ thấy bày la liệt các con gà màu vàng đỏ lò loẹt, bên kia lại có con lợn tía, có khía ở mông làm cái ống để dành tiền, các ông phỗng mặt phệ cười phơi cả rốn. Có con vịt làm tu huýt còi hoe hoét, hoe hoét đinh cả tai, thổi trong nhà vớ vẩn là ăn roi vào đít chứ chẳng đùa. Bằng đất cả đấy. Chùm khánh và con cá để ngày Tết treo lên cây nêu, đất nung già, màu sành lên nước da chu đỏ tía. Gió lay cành nêu, những cái khánh với con cá va nhau lanh canh, leng keng làm vui cả mấy ngày Tết.


Kể ba thứ đất nặn làm đồ chơi cũng chưa hết chuyện. Ở bên Bình Xuyên, Vĩnh Phúc có làng Hương Canh chuyên nghề gạch ngói, chum chĩnh, tiểu sành bốc mộ. Rồi bên Lập Thạch, đất còn để làm thuốc. Vào mùa Đông, các bà bán thuốc ở chợ Kẻ Rảy, bên thúng những quả cau, mật ong, còn bày một mẹt những miếng đất mỏng màu đỏ bồ hóng bằng đốt ngón tay, gọi là Bánh Ngói. Đất này chỉ có một vùng ở Lập Thạch có, người ta ăn như ăn kẹo.Cái này đã từng được lên truyền hình. Phụ nữ sau sinh, phòng bệnh hậu sản cũng tìm thứ bánh bằng đất này. Trẻ con đi chợ cũng sà vào ăn quà bánh ngói, người ta bảo ăn thứ này vào thì gian, sán trong bụng ra hết. Cái thứ "bánh" là đất nặn cắt lửng miếng đem hun khói hoá lại hay.
Bây giờ, đâu đâu cuzng thấy nhà xi măng cốt sắt, ngói lợp bằng xi măng, chất dẻo, kim loại...thì cũng có một thời đất với người đã từng thân thiết nhường nào.




2 nhận xét:

  1. Ôi chao, nhà tôi có rất nhiều nồi, niêu, ấm, vò, bình... bằng đất... kể cả gốm Chăm Bàu Trúc.

    Con người ta cũng sinh ra từ đất rồi sẽ trở về với đất...

    Trả lờiXóa
  2. Chắc toàn đồ cổ hả bác. Giờ bác còn xài không. Con mà gặp mấy thứ nồi, niêu bằng đất giờ chỉ có trong nhà hàng thôi.
    Chứ chuyện về với đất, cát bụi trở về với cát bụi thì con đc "nhồi" từ hồi bé xíu. Hihi

    Trả lờiXóa