Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Hồn và Ma

Hôm trước, ở trong Entry "Chợ Hà Tây" tôi có nói tới chuyện ma, búi tre. Lại nghĩ tới mấy cái chuyện “thần bí” ngày trước.
Làng nào ở ngoài Bắc Bộ đều có các luỹ tre bao quanh, dù cho làng có đường cái cả to nhất đi ngang qua, người đi lại như đi hội thì đầu làng cũng kín đáo và màu xanh của luỹ tre gai ngăn ranh giới làng xóm với cánh đồng. Bây giờ thì làng nào có bụi tre, luỹ tre chắc là hiếm lắm, nhưng mỗi cái cây cổ thụ ở thôn xóm cũng như con người đều mang cái “sự tích”cuộc đời và cái hồn cốt của nó.


Đình làng Dị, x. Dị Nậu, H. Thạch Thất, Hà Nội
Nhà nào cũng có người ở, lại có tổ tiên, đến ngày giỗ, ngày tết các cụ lại về trên cái bàn thờ, án gian  trang trọng giữa nhà. Trong bếp thì có vua bếp- Táo Quân, cuối năm lên chầu trời vài hôm. Còn thần đất, thổ địa lại nhập vào con chó đá canh cổng lúc nào cũng ngồi chồm hỗm ở cổng nhà, đền đài miếu mạo. người chung đụng với thánh thần, tổ tiên, ma xó ma trơi, ma người thắt cổ, ma người chết đuối, tưởng tượng ra chỗ nào cũng có ma nhởn nhơ. Làng nào cũng có Đình làng, đình là trung tâm của làng, đình thờ ông Thành Hoàng. Đình xây cất khang trang, chắc cũng được xem phong thuỷ, đình luôn là nơi phong quang nhất làng.
Không nói ra thì ai cũng biết mọi công chuyện làng xóm đều được đem ra đình: kiện tụng, thề thốt, cưới xin, ma chay, thuế má, quan quân bắt lính, xử tội kẻ trộm và các giấy tờ, mọi thủ đoạn phe cánh, cuộc chè chén và cả các cuộc ẩu đả đánh chém nhau của các quan làng đều xảy ra ở đình làng. Ở trong đình có ngai thờ ông thành hoàng làng linh thiêng, uy nghi. Ông thần trông coi làng, soi sang trên đầu người. Thành hoàng xuất hiện từ xa xưa, các triều đại lịch sử thay đổi, nhưng vua đời nào cũng sắc phong cho thần hoàng làng.Các nhân vật được thờ phụng có khi là ông Thánh Gióng, có khi là anh hung có thật như ông Lý Thường Kiệt, đức thánh Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão,  bà Ỷ Lan, Nguyễn Công Trứ - ông quan có công lấn biển khẩn hoang. Lại có nơi thờ người nào đó vô danh nhưng chết vào giờ linh được hiển thánh.
Trong làng, chỗ nào cũng chung chạ giữa người với thần phật và cả những con ma. Người thắt cổ, người chết đuối, ở các gò giữa xóm như gò Mả Lẻ, Mả Vạy, gò Cống Cao nghe đồn có đám vịt vàng, cái mô gạch đá ông Đống ven đường, đều được thắp hương, tảng đất đắp lên để ông Đống phù hộ cho khỏi mỏi chân đường xa. Cả đến các cây đa, cây muỗm, cây nhãn, câ hoa đại – những cổ thụ từ đời trước, các cây lão lai ấy đều hình như có con ma ở, ma giữ cây. Lại còn có các con ma lang thang. Thằng Doanh nhà chú tôi lúc nhỏ hay khóc đêm, bà tôi toàn cầm dao ra chém gió, chém bờ rào cúc tần, lẩm nhẩm khấn đuổi: Phạm Nhan! Phạm Nhan! Mày mà trêu cháu bà thì mày đứt cổ như thế này này… sau này lớn rồi tôi đọc sách mới biết con ma Phạm Nhan như con ma cà rồng trên mạn ngược hay rình mò, trêu cho trẻ con khóc đêm.
Có thánh thần ở đình đền, có thần phật trên chùa, có Chúa ở nhà thờ, có ma mọi nơi và có cả tổ tiên trong nhà. Có một điều khác nhau và lạ là ở chỗ: cứ đến ngày giỗ tổ tiên và khấn mời người đã mất về với con cháu và gia đình, không gọi đấy là ma, mà là HỒN người về.

Có ai hiểu cái này thì giải thích giúp tôi với. Cái này thì đành chịu tiếng dốt vậy.

3 nhận xét:

  1. Người ta nói "Hồn cây đa, ma cây gạo", người mình ở mọi nơi, chẳng cứ phải nông thôn đều tin là thế, cho nên chỗ nào cũng có hương khói, thờ phượng. Người ta cũng lại nói "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành".
    Cái tin tưởng tâm linh thì không thể lý giải được.

    Trả lờiXóa
  2. Dạ. Cám ơn bác. Đúng là chuyện tâm linh như thế này khó nói thiệt. Nói đến chuyện tâm linh như hôm bữa con, bác, bác Bu nói đến hết nước miếng vẫn không ra. Cũng như bây giờ tranh luận con tôm, con tép. Cào cào, châu chấu bằng đầu hay nhọn đầu cũng mệt. Hihi

    Trả lờiXóa
  3. Hihi khó mà giải đáp cho đến kì cùng câu hỏi của bạn. Về khoản này bu tui cũng đặc cán mai, nên bình loạn cho vui vậy.
    - Hồn là thực thể tinh thần mà tôn giáo và triết học duy tâm cho là độc lập với thể xác, khi nhập vào thể xác thì tạo ra sự sống và tâm lí của con người,
    Tín ngưỡng dân gian người Việt rất tin có linh hồn. Mỗi lần giỗ chạp thắp hương lên bàn thơ thì tin rằng linh hồn người đã khuất có trên đó.
    Đạo Phật không tin có linh hồn, có nhiều Phật tử và nhà sư nói đến linh hồn đó là nói đại, vì có linh hồn vĩnh cửu thì tiết lý vô thường Phật giáo sụp đổ, đạo Phật không tồn tại nữa. Thay vì nói linh hồn đạo Phật nói Thần thức. Khi người ta chết đi thì Thần thức thoát khỏi thể xác và nghiệp sẽ dẫn đi đầu thai kiếp khác.
    2- Ma là sự hiện hình của người chết theo mê tín.
    Cũng có khi đám tang đưa người chết về huyệt mộ người ta cũng nói đưa ma. Đám tang họ cũng gọi là đám ma.

    Trả lờiXóa