Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Thả diều

Đi qua khu Bình Lợi, mấy bãi đất trống thấy dân tình thả diều nhiều quá! Ở thành phố ồn ào, sôi động mà vẫn bắt gặp hình ảnh thảnh thơi đến lạ lùng. Ở quê tôi cũng vậy, cứ mùa hè tới là người người chơi diều, thả diều, ngước mắt lên thấy đc thảnh thơi như cánh diều giữa trời lồng lộng, cả người lớn và trẻ con đều thích. Hồi tôi 5,6 tuổi, chỉ biết làm diều gấp- gấp tờ giấy hình chữ nhật, lấy chỉ làm dây diều, thế là có diều. Có khi cuốn dây mạnh tay quá, đứt dây, diều bay đi đâu cũng mặc kệ. Giấy gấp diều thì xé ở vở, dây thì lấy cuộn chỉ ở nhà, mai lại gấp cái diều khác. Lớn thêm chút nữa, biết vót nan, dán giấy thì làm diều ông trăng, diều ba nan, diều bầu, diều cánh cốc....dây thì ra chợ mua hẳn cuộn dây dù, dây cấy để đâm diều. Nhưng ác nỗi, khi được gió trên diều lên lắm, bỗng gặp mưa, thủng giấy thì diềi rơi đằng diều, dây đằng dây. Làm lại cái khác.


Khi tôi đc đi các nơi trên cả nước, thấy ở đâu cũng chơi diều chứ khồn chỉ có mỗi vùng tôi chơi như tôi nghĩ. Cứ trên trời có gió là có diều bay. Đc biết, ở Quảng Đông, Quảng Tây bên Trung Quốc hàng năm mở hội thi diều. Ở Pháp cũng có hội diều quốc tế, diều Việt Nam cũng có đôi lần được cưỡi máy bay sang Pháp thi. Rồi ở Huế thì diều hình con long, ly, quy, phụng ngũ sắc lung linh có đầu, có đuôi, có mõm, đá chân tung bay trên trời hệt như người ta tung hoa lên trời. 
Ở quê tôi, làng Kẻ Núc, tuy không có hội nhưng mùa hè là đua nhau làm diều. Khi tôi nhỏ xíu đã biết làm diều. Khác hẳn diều gấp giấy, diều ba nan của trẻ con, cùn ko con rồng, con chim như ở Huế. Làng tôi chỉ chơi diều sáo. Cánh diều to, rộng như nhau, chỉ khác nhau, hơn nhau, ganh nhau ở tiếng sáo. Cái diều ở quê tôi không trọng màu sắc, cốt hình thù lực sỹ, "nồi đồng cối đá" và người ta lắng nghe thưởng thức sáo diều. 

Ở làng tôi, khi đó, tôi biết ông Nhận, ông Toàn và anh Hùng Hào là chơi diều "nghề" nhất, có diều to và sáo thì hết chỗ chê. Bây giờ thì ông Nhận đã "về với ông bà", anh Hùng Hào đã qua bên Ba Lan định cư đã lâu, ông Toàn thì tôi xa quê đã lâu nêb không rõ. Chộm nghĩ, bây giờ mà có còn ai có thú chơi diều chắc cũng khó ai có công phu và đam mê bằng ba cái tên kể trên. Ra đồng Hiệp, đồng Thày, đồng Canh, đồng Nủa , đồng Chàng, chỗ nào cũng thấy diều. Có trẻ con chúng tôi thì chơi cái diều con con, ngoe nguẩy lượn trong gió dưới. Còn cái diều đại, to như cái phản thì chỉbkhi trời lộng gió trên, diều mới lên. Dù cho ở dưới cánh đồng im ắng, oi ả bóng bức thì cái gió trên vẫn giữ đc cánh diều và tiếng sáo.
Làm diều như các ông ấy cũng lắm công phu lắm. Tôi được nghe ông Toàn kể thì phải lên tận Ba Trại, Hát Môn mới kén đc cái thứ hóp đá cứng, thân nhỏ, rắn mặt, đặc ruột. Nhưng lại phải tìm cây hóp chết dóc, đỏ tía, nhẹ bõm thì mới lấy. Cây hóp đá bửa đôi mà đem làm đòn gánh thì mềm và bền cụ cố. Đem về ngâm dưới ao cả mùa, cả năm. Ngâm xong rồi mới lôi ra vót nan, buộc thành hình cái diều rồi lại đem gác bếp cho khói hun tới óng đỏ, dẻo dẻo thì mới được. Xong đâu đấy thì phứt nilon. Phứt xong lấy sơn bôi lên cho bền giấy. Dây thì mua loại dây người ta làm trẫm kéo cá, bện to như cái đũa mới chịu được.
Xong việc đâu đấy rồi mới sửa sáo. Lên tận vùng Hát Môn, Tổng Cốc mày mò mới kiếm đc sáo tốt, không phải hàng chợ, nhưng cũng chỉ lấy đc cái lưỡi sáo và đôi miệng sáo đẽo bằng gộc tre đực. Thân sáo lại phải về làng nhờ mấy ông thợ tiện tiện giúp. Tôi nhớ là có 3 thứ sáo diều: sáo còi nhỉnh hơn ngón tay cái. Sáo đẩu to như ống nứa. Sáo chiêng- trẻ con chúng tôi gọi là sáo tù và to, dài như đốt vầu, ống dài nửa thước, hai miệng loe, nom cái sáo to tướng như con trăn. Hôm nào gió nhỏ, lắp sáo còi; gió lửng thì chơi đẩu; có gió trên mới đóng sáo chiêng.người ra đồng thả diều vào hôm trời quang và lắm gió trên. Cả đàn trẻ con xúm lại xem diều của ông Nhận, ông Toàn hay anh Hùng đã bày ở đồng. Cái cuộn dây to đùng, cọc to bằng cái cổ tay để cọc diều khi diều lên đứng. Vì cọc mà không cẩn thận, gặp gió lớn thình lình, cả tảng đất bị lôi bật lên. Có lúc gặp gió bão mà ko kịp cuốn dây, đứt dây, phải chạy theo qua mấy cánh đồng mới tìm đc chỗ diều hạ xuống. Có khi diều đâm sạt mái nhà, đổ cả bụi chuối như bỡn.
Đâm diều thì phải cần một người lớn, to cao, lực lưỡng vác diều ra giữa cánh đồng đâm lên. Ông cầm dây thoăn thoắt chạy, nhử và thả dây. Nghe chừng diều hết nhao, lên cao dần, vào gió trên mới thong thả cánh tay, diều bay thong thả trên trời trông thích thú làm sao. Cọc diều rồi, đêm trăng sáng không nhìn thấy diều đâu nhưng vẫn thấy ù ù tiếng sáo. Lũ trẻ con chúng tôi lại bày trò đố nhau thằng nào nhìn thấy diều. Cả đám nghển cổ nhìn, cố tìm. Chỉ có trẻ con thì tò mò, còn người lớn đã cởi trần trùng trục, ngồi uống rượu với nhau. Thức nhắm là một rổ ốc vặn, ốc đá luộc ,ban trưa ra ao Lò Lợn, đập tràn xúc được một mẻ. Chúng tôi cũng nhể ốc ăn rồi lăn kềnh ra nằm nghe sáo diều, rồi nằm ngủ lúc nào không hay. Sáng mở mắt dậy thì chỉ còn trơ mấy thằng trẻ con lăn lóc. Từ gá gáy các ông đã thu diều xuống rồi về nhà lại mỗi người việc. Chiều đến lại đem diều ra thả, như đêm hôm qua. 
Tuy tôi đã lớn, xa quê cũng tương đối. Không biết giờ có ai trong làng giỏi chơi diều nữa không? Tôi thì vẫn nhớ cánh diều chao lượn, tiếng la hét thích thú, tiếng sáo vi vu trên cánh đồng quê.




    

4 nhận xét:

  1. Thuở nhỏ tôi cũng hay chơi thả diều, thời ấy phải đi lượm lặt từng khúc chỉ gai để nối lại làm dây diều. Thả diều, đá dế, chơi cù, đánh khăng... là trò chơi của trẻ con xưa, bây giờ trẻ con chơi... games :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưở nhỏ thì con cái gì cũng chơi. Dây diều thì con không phải khổ sở như bác. Ra chợ mua một "con dây" chỉ 2 ngàn đồng là thabmệt nghỉ.Hihi. Thời gian không phải đi học thì đi chơi, đi phá làng phá xóm. Sau này lớn thì lại chơi các trò khác. Chơi game cũng không ngoại lệ.

      Xóa
  2. thả diều là trò chơi rất quen thuộc với con nít ngày xưa nhưng là của lạ với nhiều con nít bây giờ lắm

    Trả lờiXóa
  3. cám ơn bác Bố susu đã vào xem bài của em và để lại vài lời. Bây giờ thả diều chắc con nít chỉ thấy trên tivi, sách báo thôi chắc gì đã được "mắt thấy tay sờ". Đúng là thời thế bác à. giờ con nít chơi trên máy tính là chủ yếu.

    Trả lờiXóa